Tại điểm cầu Thừa Thiên Huế 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho biết, biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan tiếp tục gây tổn thất nặng nề. Đất, không khí và nước con người đang sử dụng ngày càng trở nên ô nhiễm. Bất bình đẳng tại mỗi quốc gia và giữa các quốc gia vẫn tiếp tục trở nên trầm trọng hơn.

"Trong quá trình đó, Bộ Ngoại giao xác định việc nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ những xu thế lớn trên thế giới về chuyển đổi số, phát triển xanh, kinh nghiệm của các nước trong quá trình chuyển đổi, thích ứng… là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngoại giao trong những năm tới, tập trung vào mục tiêu thu hút nguồn lực và tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế phục vụ công cuộc phát triển kinh tế-xã hội, trước mắt là thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội vừa được Chính phủ thông qua vào ngày 30/1/2022 vừa qua", Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu cho biết.

Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao cũng phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương vận động các đối tác phát triển hỗ trợ về tài chính, công nghệ và nâng cao năng lực để góp phần nâng cao khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính thông qua chuyển đổi mô hình tăng trưởng sang mô hình xanh, thúc đẩy kinh tế tuần hoàn…

Tại Hội nghị, Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner đã đánh giá cao những thành tích ấn tượng của Việt Nam trong xóa đói nghèo, phát triển con người và triển khai nhanh chóng việc tiêm chủng rộng rãi cho người dân; khẳng định hoàn toàn có thể thực hiện phục hồi xanh và bao trùm nếu chúng ta tập trung vào sức mạnh tổng hợp từ phát triển kinh tế trong đó ưu tiên tính bền vững và bao trùm.

Phó Tổng Thư ký Liên Hợp quốc, Tổng Giám đốc UNDP Achim Steiner nêu bật 6 bài học mà UNDP đúc kết trong quá trình hỗ trợ các quốc gia thúc đẩy phục hồi kinh tế xanh, bao gồm: tài chính sáng tạo dài hạn; chuyển đổi khí hậu công bằng; thu hẹp khoảng cách số; bình đẳng giới; bảo trợ xã hội có khả năng chống chịu với các cú sốc; và quản trị ba trong một, gồm khả năng dự báo, tính nhanh nhạy và khả năng thích ứng.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhận định đại dịch COVID-19 đã gây ra cuộc khủng hoảng chưa từng có kể từ khi Liên Hợp Quốc thành lập, tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội của tất cả các quốc gia, làm ngưng trệ những nỗ lực thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. "Vấn đề đặt ra đối với Chính phủ Việt Nam sau đại dịch COVID-19 không phải chỉ là phục hồi mà là phục hồi như thế nào. Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử và đến nay đã tiêm gần 200 triệu liều vaccine phòng COVID-19”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh bày tỏ mong muốn được lắng nghe chia sẻ từ các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước về tầm nhìn và kinh nghiệm quốc tế trong phục hồi kinh tế-xã hội xanh, bền vững và bao trùm, đề xuất tập trung vào việc giải quyết những tác động môi trường của tăng trưởng, như các tác động về khí hậu, môi trường, sức khỏe, tài nguyên và đa dạng sinh học, bằng cách tiếp cận hướng tới mô hình kinh tế có khả năng chống chịu và có năng suất cao, tập trung vào tái tạo tự nhiên và sử dụng hiệu quả tài nguyên trong nền kinh tế tuần hoàn và trung hòa carbon.

Cùng với đó, bảo đảm quá trình tăng trưởng toàn diện và bền vững, bao gồm kết hợp hoàn thiện các khung pháp lý và thực thi chính sách hiệu quả để bảo vệ các nhóm yếu thế, đảm bảo sự tiếp cận công bằng đối với các cơ hội kinh tế và dịch vụ để không ai bị bỏ lại phía sau, qua đó giảm thiểu bất công, giảm nghèo đa chiều và mức độ dễ tổn thương, xây dựng một xã hội công bằng cho tất cả mọi người, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể, mục tiêu và là động lực của phát triển.

Đồng thời, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, bao gồm thông qua việc tạo ra hệ thống sản xuất carbon thấp, đổi mới sáng tạo, ứng dụng thành quả của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận các nguồn tài chính lâu dài và bền vững; kinh nghiệm về chuyển đổi kinh tế, năng lượng, tư vấn về nguồn tài chính xanh, tiếp cận công nghệ xanh cũng như cách thức xử lý các tác động xã hội của quá trình chuyển đổi.

Hội nghị này sẽ giúp các bộ, ngành của Việt Nam nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ trong triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra theo hướng xanh, bền vững, bao trùm và đổi mới sáng tạo, thực hiện hiệu quả hơn Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu và các cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP26.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh bày tỏ, trong quá trình thực hiện các mục tiêu và cam kết này, Chính phủ Việt Nam mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ, hợp tác hiệu quả hơn nữa của các nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và các bạn bè, đối tác quốc tế khác để thực hiện tầm nhìn về phát triển đất nước, đồng thời chung tay góp phần thúc đẩy sự thịnh vượng trên toàn thế giới và bảo vệ hành tinh xanh.

Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia cũng đưa ra nhiều ý kiến cho quá trình phục hồi kinh tế hậu đại dịch của thế giới, khu vực và Việt Nam theo hướng xanh, bao trùm.

Tin, ảnh: Thái Bình