Kiểm tra, xử lý sâu bệnh trên cây thanh trà

Tỷ lệ sâu bệnh cao

Bệnh chảy gôm do nấm Phythoptora tồn tại trong đất, xâm nhập qua rễ, theo mạch dẫn đến thân cây gây hỏng vỏ, chảy nhựa nên hấp thu dinh dưỡng kém. Những cây bị bệnh nặng có thể sẽ chết. Bệnh này rất khó phát hiện, thường ủ bệnh vào mùa mưa đến mùa khô mới phát hiện được. Cách tốt nhất là phòng ngừa sâu bệnh, nhưng phần lớn người dân mặc dù đã được cảnh báo, tuyên truyền nhưng vẫn chủ quan nên khi phát hiện bệnh thì đã muộn, khó chữa trị...
Hộ ông Võ Đăng Thanh ở thôn Lương Quán trồng 1 mẫu, khoảng 200 gốc thanh trà, trước đây ít sâu bệnh nên mỗi cây có thể đạt từ 300-400 trái. Từ khi sâu bệnh gây hại phức tạp nên sản lượng ngày càng giảm, có năm mỗi cây chỉ còn 30-40 trái, thu nhập chỉ vài chục triệu đồng...
Ông Võ Văn Thanh ở thôn Lương Quán, trồng 200 gốc tỏ ra lo lắng: “Đời sống gia đình chủ yếu dựa vào cây thanh trà. Mấy năm nay sâu bệnh gây hại nên đời sống rất khó khăn. Mặc dù đã có nhiều biện pháp phòng trừ nhưng đến nay tình hình sâu bệnh vẫn chưa giảm, thậm chí có chiều hướng tăng”.
Ông Hoàng Trọng Di, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thủy Biều nói: “Toàn phường có trên 800 hộ trồng thanh trà với 160 ha. Điều lo ngại nhất hiện nay là tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, trong khi phần lớn người dân còn lúng túng, chưa chủ động trong công tác phòng trừ sâu bệnh. Trên địa bàn hiện có khoảng 50 ha bị bệnh, trong đó có 6 ha bị sâu bệnh gây hại nặng, tỷ lệ từ 20-30%...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay diện tích cây thanh trà toàn tỉnh khoảng 750ha, trong đó khoảng 200 ha bị bệnh. Ông Cái Văn Thám, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh thông tin, mấy ngày qua, sâu bệnh gây hại trên diện rộng, nhất là bệnh chảy gôm trên cây thanh trà và các loại cây có múi. Thời điểm này là mùa cây ra lộc non nên rất dễ nhiễm bệnh.
Diện tích cây thành trà bị bệnh chảy gôm tính đến nay lên đến 300 ha, tập trung chủ yếu ở Thủy Biều (TP Huế), Hương Hồ, Hương Vân, Hương Thọ (TX Hương Trà), Phong Thu (Phong Điền). Chi cục BVTV tỉnh khuyến cáo: Người dân cần xây dựng đường mương thoát nước, không để nước đọng trong vườn cây. Làm vệ sinh và xử lý những cành cây bị bệnh, bơm thuốc phòng trừ, sử dụng các thuốc có hoạt chất metlaxyl để quét trực tiếp vào các vết bệnh...
Giải pháp bảo tồn đặc sản
Để bảo tồn và phát triển ổn định giống thanh trà đặc sản, nhóm thực hiện Đề tài “Nghiên cứu, xác định nguyên nhân gây suy giảm năng suất, chất lượng thanh trà và đề xuất các giải pháp nhằm khắc phục, phát triển vùng sản xuất theo hướng hàng hóa cho tỉnh Thừa Thiên Huế” do viện Bảo vệ thực vật Việt Nam chủ trì đã tiến hành tuyển chọn những cây bưởi thanh trà cho năng suất cao và chất lượng tốt, phục tráng và lưu giữ lâu dài trong nhà lưới để làm nguồn gen phục vụ cho sản xuất giống cây sạch bệnh; đồng thời nghiên cứu một số biện pháp nhằm nâng cao và ổn định năng suất, phẩm chất thanh trà.
Kết quả nghiên cứu dinh dưỡng cũng là một trong những giải pháp được đưa ra, theo đó bón phân cho cây dựa vào năng suất của vụ trước kết hợp phun bổ sung phân bón lá Muiti-K 3 lần, mỗi lần cách nhau một tháng, phun khi quả bắt đầu phát triển, đường kính quả đạt 3-5cm đã cải thiện được chất lượng cành lộc, cho năng suất tăng 18,36% so với đối chứng. Ngoài ra, để phòng trừ sâu bệnh hiệu quả, khắc phục kịp thời hiện tượng suy giảm năng suất và chất lượng thanh trà cần có biện pháp thoát nước vào mùa mưa và bổ sung nước vào mùa khô.
Nhóm nghiên cứu lưu ý việc cắt tỉa tạo tán, vệ sinh vườn, quét vôi toàn bộ gốc và thân cây để có thời gian xuất hiện nụ sớm hơn. Ngoài ra, biện pháp bao quả cũng là một giải pháp tối ưu làm giảm đáng kể tỷ lệ quả bị rám, bị hại do sâu bệnh gây ra. Thời gian bao quả càng sớm càng hạn chế được tác hại của sâu bệnh. Nhưng cần bao quả vào giai đoạn sau 50 ngày tắt hoa (quả bắt đầu phát triển) để đạt hiệu quả, giảm chi phí sản xuất và có mẫu mã đẹp.
Bài, ảnh: Triều - Hà