Các cơ sở đúc đồng ở làng nghề Phường Đúc, Thủy Xuân (TP. Huế) còn “loay hoay” tìm công nghệ phù hợp để xử lý khí thải đảm bảo môi trường

Ngay cả các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp dù có nhiều chính sách, cơ chế ưu đãi cũng như chịu sự ràng buộc của pháp luật về bảo vệ môi trường (BVMT), nhưng việc thực thi nhiệm vụ vẫn chưa đảm bảo. Bài toán BVMT ở các làng nghề còn nhiều nan giải là thực trạng chung của các địa phương.

Hiện cả nước có 4.575 làng nghề, trong đó có 1.951 làng nghề được công nhận. Ở Thừa Thiên Huế có 84 làng nghề tập trung ở nông thôn và đô thị.

Thực tế, công tác BVMT tại các làng nghề chưa được quan tâm đúng mức, rất ít làng nghề có hệ thống thu gom và xử lý chất thải rắn cũng như hệ thống xử lý nước thải. Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, có hơn 16% làng nghề có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về BVMT và khoảng 21% làng nghề có điểm thu gom chất thải rắn công nghiệp. Quy mô xả thải của các cơ sở thường không lớn, nhưng do số lượng các cơ sở khá nhiều, nằm xen lẫn trong khu dân cư, nên tổng lượng chất thải phát sinh chiếm tỷ trọng đáng kể.

Yêu cầu vừa phát triển kinh tế vừa BVMT làng nghề một cách bền vững luôn là bài toán khó với các nhà chuyên môn, các cấp quản lý. Để có thể cân bằng được 2 yếu tố này đòi hỏi nhiều giải pháp, vừa vận dụng pháp lý, đồng thời áp dụng giải pháp kỹ thuật và ý thức chấp hành các quy định về môi trường của chủ cơ sở sản xuất tại làng nghề.

Thực tế, một số làng nghề như làng nghề đúc đồng Phường Đúc, Thủy Xuân (TP. Huế), làng bún Ô Sa (Quảng Điền), làng bún Hương Cần (TX. Hương Trà), các làng nghề nước mắm Phú Hải, Phú Thuận (Phú Vang)... dù nhiều năm qua đã rất trăn trở, cố gắng đầu tư công nghệ, hạ tầng để thu gom, xử lý chất thải đảm bảo môi trường, song vẫn chưa hoàn thiện. Nguyên nhân là do hoạt động sản xuất không tập trung, thiếu vốn, chưa có công nghệ xử lý phù hợp...

Để giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 577 phê duyệt Đề án BVMT làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Đề án đã xác định danh mục và mục tiêu xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại 47 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng trên cả nước.

Cùng với đó, Luật BVMT năm 2020 mới được ban hành đã quy định rõ hơn trách nhiệm của UBND các cấp và cơ sở sản xuất trong công tác BVMT làng nghề nhằm theo dõi, ngăn chặn ô nhiễm, cải thiện và phục hồi chất lượng môi trường tại làng nghề. Trong Luật BVMT năm 2020 còn tích hợp nội dung về công tác BVMT nông thôn thành một điều khoản riêng (Điều 58), trong đó, lấy chất lượng môi trường nông thôn là nền tảng, là mục tiêu để bảo vệ.

Dự thảo Chiến lược BVMT quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng có nêu, đến năm 2030, phải từng bước ngăn chặn, đẩy lùi xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường, giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường, nhất là môi trường làng nghề.

Để thực hiện thành công mục tiêu, nhiệm vụ BVMT làng nghề, bên cạnh nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và người dân về vai trò của môi trường, cần đẩy mạnh sự giám sát của cộng đồng; thực hiện nghiêm việc xem xét, đánh giá tiêu chí môi trường, nhất là môi trường ở các làng nghề trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tốt hơn nữa, cần xây dựng mô hình hợp tác, liên kết sản xuất để vừa thuận tiện trong huy động nguồn lực, xã hội hóa để đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cũng như ứng dụng khoa học, công nghệ xử lý chất thải phát sinh; đồng thời dễ dàng trong việc di dời đến cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp đã được quy hoạch.

Bài, ảnh: HOÀI NGUYÊN