Do nhiều yếu tố tác động, tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể sẽ giảm đi. Ảnh minh họa: Getty/Báo Điện tử Chính phủ
Tuy nhiên, vấn đề về cung – cầu sẽ được giải quyết vào giai đoạn tiếp theo của năm, với việc thắt chặt nguồn cung sẽ giảm bớt trong giai đoạn nửa cuối năm, Moody’s Investors Service cho biết trong một lưu ý vừa phát hành gần đây.
Theo đó, Moody’s Investors Service nhận xét, tổ chức hi vọng Nhóm G20 sẽ chứng kiến mức tăng trưởng chung đạt khoảng 4,3% trong năm nay. Con số này được nhận định là giảm so với mức 5,9% vào năm 2021, song vẫn cao hơn mức tăng trưởng theo xu hướng dài hạn. Tốc độ tăng trưởng toàn cầu trong năm 2023 sẽ tiếp tục chậm lại và chạm mốc 3,2%.
Madhavi Bokil, Phó chủ tịch và là nhà phân tích cao cấp tại Moody’s Investors Service cho biết, chu kỳ kinh tế hiện tại là đáng chú ý với tốc độ nhanh chóng, khi các hoạt động đã được phục hồi ở hầu hết mọi nền kinh tế lớn. Tuy nhiên, giá cả hàng hóa tăng cao, mất cân đối cung – cầu dẫn đến lạm phát cao và ở một số nơi, lạm phát gia tăng, thị trường biến động và nhiều bất ổn đã tạo nên một bối cảnh đầy thách thức. Vị lãnh đạo cũng thông tin thêm, rằng dự báo không áp dụng cho tất cả các quốc gia, với Trung Quốc là một ngoại lệ đáng chú ý.
Bên cạnh các nền kinh tế lớn, các thị trường mới nổi khác cũng đang chứng kiến sự phục hồi tương đối bấp bênh. Không giống như năm 2021, khi các nền kinh tế thị trường mới nổi tăng trưởng trở lại mạnh mẽ sau đại dịch, hiện có ít điều chắc chắn hơn ở các nền kinh tế này.
Cụ thể, tại Mexico, Brazil và Argentina, các đợt phục hồi đang tương đối “hụt hơi” trong bối cảnh áp lực lạm phát gia tăng. Ngân sách tài khóa 2022 – 2023 của Ấn Độ, trong đó tập trung vào cơ sở hạ tầng và các chi tiêu vốn khác sẽ hỗ trợ củng cố tăng trưởng.
Trong khi đó, đối với các nền kinh tế tiên tiến, Mỹ đang chuyển sang giai đoạn mở rộng vào cuối chu kỳ, tốc độ tăng trưởng giảm từ mức đỉnh của năm 2021, hỗ trợ chính sách cũng giảm bớt... Canada, Australia và châu Âu cũng đang trải qua những động lực tăng trưởng tương tự.
Cùng lúc, Nhật Bản lại chậm tham gia vào quá trình mở rộng giữa chu kỳ, với các biện pháp gần như khẩn cấp vẫn được áp dụng. Bà Madhavi Bokil dự đoán, tiến trình phục hồi của Nhật Bản có khả năng sẽ tăng vào giữa năm.
Tình hình Nga – Ukraine leo thang cũng gây ra rủi ro cho sự ổn định của thị trường năng lượng và gia tăng nguy cơ xuất hiện các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn.
Đan Lê (Lược dịch từ The Business Times)