Tham gia vào các ngành nghề chế biến nông, lâm, thủy, hải sản tại địa phương giúp nhiều hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo
Chị Nguyễn Thị Hoa (ở thôn Thanh Lam Bồ, xã Phú Gia, huyện Phú Vang) là một trong những gương tiêu biểu thoát nghèo bền vững của xã và của huyện. Nhiều năm về trước, gia đình chị luôn thuộc diện nghèo do thu nhập thấp, bấp bênh. Từ năm 2020, gia đình chị được công nhận thoát khỏi danh sách hộ nghèo nhờ được địa phương hỗ trợ về kỹ thuật, con giống để nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, kết hợp đánh bắt cá, tôm trên đầm phá. Hiện, gia đình chị Hoa dần khấm khá hơn, con cái lớn tham gia lao động cùng phụ giúp trang trải cuộc sống.
Thời gian qua, các cấp hội phụ nữ ở các địa phương luôn sát cánh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để trợ giúp nhiều chị em phụ nữ thoát nghèo, nâng cao mức sống.
Riêng trong năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh vận động các nguồn tài trợ hỗ trợ mô hình sinh kế cho những hội viên phụ nữ khó khăn với tổng số tiền hơn 4 tỷ đồng. Trong đó, hỗ trợ cho 178 hộ với 2.180 cây giống, 3.640kg phân bón, 13.426 con giống, 18.570kg thức ăn. Xây dựng và sửa chữa nhà cho 111 hộ gia đình, trao tặng vật dụng gia đình cho 114 hộ, hỗ trợ tiền mặt cho 74 hộ ở các địa bàn trên toàn tỉnh.
Từ nguồn quỹ Dự án "Hỗ trợ vốn quay vòng cho phụ nữ nghèo phát triển sinh kế và phòng tránh thiên tai" Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ 100 triệu đồng cho 4 gia đình hội viên phụ nữ nghèo, khó khăn xã Lộc Điền (Phú Lộc), 500 triệu đồng cho 25 hộ gia đình hội viên huyện Quảng Điền sửa chữa nhà ở, khôi phục sản xuất. Ngoài ra, các cấp hội còn hỗ trợ 98 mô hình sinh kế, trao tặng cây, con giống cho hội viên hộ nghèo, như mô hình trồng chuối, nấm, rau má, cây ăn quả...
Chị Nguyễn Thị Bê (ở thôn An Dương 1, Phú Thuận, huyện Phú Vang) từng là một trong những hộ nghèo của xã. Nhờ có sự quan tâm, tạo điều kiện của hội phụ nữ, HTX Nước mắm truyền thống Phú Thuận nên chị có được công việc với thu nhập khá. Chị Bê chia sẻ: Tuy chỉ đi làm thuê cho một cơ sở chế biến nước mắm, mắm ruốc ở địa phương, nhưng công việc luôn thường xuyên và tiền công hằng ngày đảm bảo chi tiêu, trang trải cho sinh hoạt, học hành của các con.
Ngoài những trường hợp không thể tham gia lao động, khuyết tật..., các cấp hội cơ sở luôn xem xét và triển khai hỗ trợ vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội đến chị em hội viên phụ nữ, giúp họ có được số vốn để kinh doanh mua bán nhỏ, đầu tư cây con giống để phát triển sản xuất...
Theo thống kê, tổng dư nợ các nguồn vốn ủy thác hộ nghèo và các đối tượng chính sách từ Ngân hàng CSXH thông qua kênh phụ nữ trong năm vừa qua đạt trên 1.778 tỷ đồng cho 1.281 tổ vay, với số thành viên 51.425; tỷ lệ nợ quá hạn 0,1%.
Bên cạnh những nỗ lực của các tổ chức hội đoàn thể, chính quyền địa phương trong việc xóa nghèo, tăng số hộ thoát nghèo bền vững thì vẫn còn một số hộ nghèo ỷ lại, trông chờ vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thậm chí vẫn có những trường hợp muốn vào danh sách hộ nghèo để được hưởng lợi từ các chính sách hỗ trợ; nên cần đẩy mạnh tuyên truyền cũng như giám sát tình hình thực tế của các gia đình hội viên hộ nghèo, cận nghèo để kịp thời trợ giúp cũng như phát huy mặt mạnh, khắc phục yếu thế trong từng trường hợp cụ thể.
Bài, ảnh: TUẤN KHOA