Bước vào năm mới 2022, hạnh phúc lớn đến với HLV Mai Đức Chung khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam do ông dẫn dắt lần đầu tiên dự World Cup. Vẫn vẻ chân chất, bình dị và lúc nào cũng đau đáu với công việc, gương mặt người huấn luyện viên một đời mẫn cán ấy bỗng rạng ngời trong phút giây được ăn bữa cơm nhà.

Đó là một cái tết muộn với HLV Mai Đức Chung và gia đình. Bao năm biền biệt xa nhà cùng những giải đấu nay đây, mai đó, ông bảo, với ông, hạnh phúc nhất là giây phút được về nhà, ăn cơm vợ nấu.

Bữa cơm tết muộn ấy, vợ ông - người phụ nữ mảnh mai tóc đã lốm đốm bạc - đã nấu cho chồng món măng hầm chân giò mà ông ưa thích. Bữa cơm bày biện trên chiếc mâm nhỏ, giản dị. Giản dị như chiếc áo sẫm màu và mái tóc bạc dầm mưa dãi nắng của vị huấn luyện viên đã ngoài 70.

Trao cho người vợ ánh nhìn trìu mến, ông bảo, ông yên tâm xa nhà biền biệt là vì ở nhà, vợ ông đã luôn biết làm ấm căn bếp nhà mình cho gia đình. Căn bếp ấm ở hậu phương đã giúp ông vững tâm.

Bữa cơm nhà thật nhiều cảm xúc của HLV Mai Đức Chung làm tôi nhớ đến bữa cơm khác của một người bạn.

Hai vợ chồng chia tay đã mấy năm, kẻ Nam, người Bắc, tết này, anh ra Hà Nội, để ăn với các con một bữa cơm. Một bữa cơm nhà trong hoàn cảnh đặc biệt, khi hạnh phúc gia đình đã tan đàn, xẻ nghé.

Bữa cơm trông thật ấm, có bát canh cua nấu rau đay, đĩa khuôn đậu rán đặc trưng Hà Nội và món thịt heo ba chỉ chấm mắm tôm của Huế. Nhưng người vào facebook của anh lại thấy chạnh lòng. Anh viết: Giá như ngày trước, chúng ta dành nhiều thời gian hơn cho những bữa cơm nhà.

Là anh đang chiêm nghiệm lại bài học về xây dựng hạnh phúc gia đình. Mải mê vật lộn với cuộc sống, mải mê với những chuyến công tác xa nhà, bữa ăn của anh là những buổi tiệc, ở nhà hàng, khách sạn... Chỗ làm xa nhà, chị cũng thường ăn cơm “bụi” gần công sở cho tiện. Các con thì gửi gắm cho ông bà ngoại. Sự xa cách, sự thiếu vắng hơi ấm từ căn bếp với những bữa cơm nhà dần khiến cho tình yêu thương trong ngôi nhà nhỏ ấy nguội lạnh...

Tôi lại nghĩ về những bữa cơm đoàn viên của những người con xa nhà cùng cái tết đoàn viên sau bao tháng ngày cách trở biền biệt vì dịch bệnh. Những bếp lửa ở những làng quê nghèo tết nay như thể ấm hơn, khi những bữa cơm nhà được tề tựu trong niềm vui và cả nước mắt. Nước mắt hạnh phúc của những đứa con, của những bà mẹ, ông bố may mắn bình an trở về từ tâm dịch, để còn được ăn một bữa cơm nhà.

Không quan trọng là thịt cá hay rau dưa, cơm nhà là sự kết nối yêu thương. Là sự thôi thúc được trở về sau bao giông tố, cám dỗ ngoài kia. Để được nương náu, sẻ chia, che chở và an lành...

TIỂU MUỘI