Hoạt động sản xuất ở Trung Quốc vẫn mở rộng trong tháng 2. Ảnh: THX/TTXVN

Các biện pháp trừng phạt quốc tế liên quan đến căng thẳng Nga-Ukraine đã làm chao đảo thị trường và đẩy giá dầu lên cao, làm tăng thêm những lo ngại cho các nền kinh tế châu Á và các doanh nghiệp vốn đang quay cuồng vì sự gia tăng chi phí đầu vào. 

Trong khi xung đột ở Đông Âu hiện là rủi ro lớn đối với nền kinh tế toàn cầu, các chỉ số trong tháng 2 vừa qua cho thấy các điều kiện sản xuất đã dần được cải thiện.

Theo kết quả cuộc khảo sát đối với các nhà máy ở Trung Quốc, bao gồm cả khu vực chính thức và tư nhân, hoạt động sản xuất vẫn đang mở rộng, cho thấy khả năng phục hồi của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, bất chấp áp lực chi phí.

Hoạt động sản xuất cũng gia tăng ở Malaysia, Việt Nam và Philippines khi các nước này dần mở cửa lại nền kinh tế, bất chấp làn sóng lây nhiễm của biến thể Omicron vẫn chưa hạ nhiệt.

Tuy nhiên, tăng trưởng hoạt động của các nhà máy ở Nhật Bản trong tháng 2 đã chậm lại, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 5 tháng qua do các biện pháp hạn chế vì COVID-19 vẫn tiếp tục được duy trì và chi phí đầu vào tăng.

Việc mở rộng hoạt động cũng chậm lại ở Đài Loan và Indonesia – được xem như một dấu hiệu cho thấy tác động kéo dài của sự gián đoạn chuỗi cung ứng do đại dịch gây ra.

Các cuộc khảo sát cũng chỉ ra rằng cuộc khủng hoảng Ukraine có nguy cơ đe doạ sự phục hồi vốn đã mong manh của châu lục này, với “tác động tức thời nhất sẽ đến từ việc giá dầu tăng, giáng một đòn mạnh vào nhiều nền kinh tế châu Á”, ông Toru Nishihama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life ở Tokyo, nhận định.

“Nga là nước xuất khẩu lớn về khí đốt, kim loại hiếm và các hàng hóa khác cần thiết cho sản xuất chip. Điều đó có nghĩa là cuộc khủng hoảng có thể làm trầm trọng thêm sự gián đoạn chuỗi cung ứng, đây sẽ là tin xấu đối với các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan”, ông Nishihama cho biết thêm.

Rủi ro lạm phát

Theo một cuộc khảo sát tư nhân, hoạt động nhà máy của Trung Quốc đã tăng trưởng trở lại trong tháng 2 nhờ lượng đơn đặt hàng mới tăng lên, mặc dù số việc làm vẫn giảm. 

Một chuyên gia kinh tế cấp cao về Trung Quốc tại Capital Economics cho biết mặc dù đã tăng lên trên mốc 50 điểm, nhưng chỉ số nhà quản lý mua hàng sản xuất chính thức (PMI) của Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình trước đại dịch.

Trong khi đó, chỉ số PMI của Nhật Bản trong tháng 2 đã giảm xuống 52,7 điểm từ mức 55,4 trong tháng 1, đánh dấu mức tăng chậm nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Giá hàng hóa tăng đột biến do xung đột ở Ukraine có thể làm tăng lạm phát và làm phức tạp các chính sách đối với các ngân hàng trung ương châu Á, khi các ngân hàng này phải cân bằng giữa việc ngăn chặn sự gia tăng lạm phát không mong muốn và củng cố tăng trưởng.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters)