Chất lượng chưa cao và thiếu nhân lực

Ông Trần Hữu Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch cho biết, ngày 15/3 là thời điểm mà Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn ngành du lịch, chính thức đón khách quốc tế trở lại sau đúng 2 năm bị gián đoạn. Việc mở cửa hoàn toàn trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về “Thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh COVID-19”. Do đó, ngành du lịch Huế triển khai kế hoạch mở của hoàn toàn từ ngày 15/3.

Từ ngày 15/3, ngành du lịch sẽ mở cửa toàn diện, sẵn sàng đón khách quốc tế trở lại

Mục tiêu mở của hoàn toàn là phục hồi, thúc đẩy tăng trưởng, phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh; quảng bá hình ảnh du lịch Thừa Thiên Huế với thông điệp “Huế - Điểm đến an toàn và thân thiện”, khẳng định thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài”, “Huế - Kinh đô Ẩm thực”. Cùng với đó, huy động được sự tham gia, phối hợp và hưởng ứng của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng, doanh nghiệp du lịch, dịch vụ nhằm giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong việc đón khách quốc tế trở lại; tạo nên các chương trình, sản phẩm độc đáo, đặc sắc thu hút khách du lịch.

Yêu cầu đặt ra khi mở cửa toàn diện là các hoạt động đón tiếp, phục vụ khách du lịch phải đảm bảo tuyệt đối các quy định, điều kiện về phòng chống dịch do các cơ quan liên quan ban hành, hướng dẫn; chủ động, sẵn sàng linh hoạt và có các phương án xử lý tình huống, phòng ngừa rủi ro trong quá trình tổ chức đón khách. Tăng cường đẩy mạnh hoạt động kích cầu du lịch, công tác truyền thông, quảng bá du lịch và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình thực hiện.

Bà Dương Thị Công Lý, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành tỉnh cho rằng, để việc mở cửa toàn diện đạt kế hoạch đề ra, những thách thức, cũng là khó khăn mà ngành du lịch Huế đang bị ảnh hưởng cần được sớm khắc phục. Trước hết là chất lượng dịch vụ, cơ sở vật chất sau hơn hai năm bị tác động bởi dịch bệnh đang xuống cấp, không duy trì như trước. Thứ hai là nguồn nhân lực, như thời gian qua, lượng khách tăng trong khi không đáp ứng nhân lực nên nhiều doanh nghiệp đưa người nhà vào làm việc, dù không có am hiểu về kỹ năng nghề du lịch.

“Để đón khách quốc tế, các doanh nghiệp đang rất cần có quy trình đón và xử lý các tình huống, như khi du khách vào Việt Nam mới phát hiện bệnh, khách có triệu chứng và không sẽ xử lý như thế nào? Bên cạnh đó, tỉnh sớm có chính sách giảm giá vé ở các điểm tham quan và có những sản phẩm “sống”, sinh động ở các điểm di sản, công bố thời gian diễn ra cụ thể để doanh nghiệp chủ động xây dựng tour tuyến, vì đây là sản phẩm chủ lực của Huế”, bà Lý nhấn mạnh.

Chủ động, sẵn sàng mở cửa toàn diện

Ông Trần Hữu Thùy Giang cho biết, để mở cửa toàn diện, ngành sẽ phát triển các loại hình sản phẩm du lịch bền vững, du lịch an toàn, du lịch gắn với thiên nhiên và bảo vệ sức khỏe. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đáp ứng nhu cầu thay đổi đa dạng của thị trường: sản phẩm, dịch vụ du lịch ban đêm, du lịch gắn với ẩm thực, du lịch nông nghiệp, du lịch sinh thái, du lịch golf, du lịch chăm sóc sức khỏe, khu vui chơi gắn với thiên nhiên, các sản phẩm du lịch sinh thái gắn với sông hồ, suối thác và đầm phá...

Nhiều hoạt động, lễ hội được tổ chức để thu hút khách

Phía Hiệp hội Du lịch tỉnh cho biết, đang phối hợp các đơn vị kinh doanh dịch vụ tham gia chương trình kích cầu du lịch với hình thức đa dạng, như ưu đãi, khuyến mãi, tặng thêm sản phẩm dịch vụ gia tăng, giảm giá trực tiếp... để hình thành gói kích cầu mang tính đồng bộ, thống nhất ở địa phương. Trọng tâm trước mắt hướng đến các dịch vụ như: nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe; du lịch kết hợp khám chữa bệnh; thưởng thức ẩm thực; các khu du lịch; điểm tham quan, vui chơi gắn với thiên nhiên. Đồng thời, khuyến khích xây dựng các tour du lịch khám phá địa phương. Xây dựng các điểm đến mới lạ, hấp dẫn, đặc biệt cho những người trẻ và các gia đình có con nhỏ, cũng như với các học sinh và sinh viên.

UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đề nghị, từ nay đến khi mở cửa lại du lịch thời gian còn rất ngắn, nhưng có rất nhiều công việc cần phải triển khai thực hiện. Sở Du lịch tham mưu trực tiếp cho UBND tỉnh, thông tin kịp thời, giải quyết các vấn đề phát sinh, đảm bảo an toàn là yếu tố đặt lên hàng đầu và chất lượng sản phẩm, dịch vụ là yếu tố then chốt để thu hút du khách trong nước và quốc tế.

Việc mở lại hoạt động du lịch trong bối cảnh bình thường mới theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là an toàn, khoa học, hiệu quả; trong đó, an toàn là yếu tố đầu tiên, vì vậy cần có sự phối hợp chặt chẽ, triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Y tế cần phối hợp để xây dựng quy trình, hướng dẫn cụ thể để phục vụ việc đón khách nói chung, trong đó có khách quốc tế. Phối hợp với Sở Du lịch để có kết nối, quy trình xử lý các tình huống, đặc biệt, quan tâm đến vấn đề tầm soát có trọng tâm để phát hiện, xử lý và điều trị kịp thời các F0, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế là hạt nhân quan trọng trong việc tái phục hồi, kích cầu du lịch trở lại. Do đó, trung tâm cần chú trọng đến việc chỉnh trang, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, khai thác hiệu quả các di tích trong quần thể di sản; xây dựng, phục hồi các sản phẩm du lịch phụ vụ du khách về đêm tại di tích, có sự chuẩn bị đầy đủ, kết nối chặt chẽ để tái khởi động, tạo ra các sản phẩm du lịch đặc trung thu hút du khách đến với Huế.

Bài, ảnh: Đức Quang