Đàn bò thả rông dọc tuyến đường Võ Văn Kiệt, gây bức xúc đối với người dân
Trâu bò "tung tăng" dạo phố
Liên tục những ngày qua, không ít người dân phường Kim Long (TP. Huế) phản ánh về việc, bò thả rông khắp các điểm công cộng, phá nát cây cối, phóng uế bừa bãi rất mất vệ sinh. Trên tuyến đường Võ Văn Kiệt, phường An Tây (TP. Huế) đàn bò thả rông cũng ngang nhiên đi lại trên đường, tung tăng gặm cỏ, rất nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông. Tại KQH Hương Sơ - đường Nguyễn Văn Linh, phường An Hòa (TP. Huế), ngày nào trâu bò cũng tự do đi lại, nhưng tuyệt nhiên không thấy ai trông coi.
Khu vực phường Xuân Phú - quanh các đường Hoàng Lanh, Tố Hữu cũng thường xuyên xuất hiện đàn bò đi ngang nhiên giữa đường. Ban đêm, đàn bò này nằm giữa đường, phóng uế khắp nơi, mất vệ sinh. Tại KQH Thủy Thanh (giai đoạn 2, 3 thuộc thôn Lang Xá Cồn), xã Thủy Thanh (TX. Hương Thủy) có bầy trâu thả rông cả ngày lẫn đêm, húc đổ cây cối ở trong công viên…
Qua tìm hiểu, những ý kiến phản ánh về thực trạng trâu bò thả rông trên của người dân là có cơ sở. Chính quyền địa phương và ngành chức năng đã tập trung xử lý, phạt hành chính chủ đàn trâu, bò theo quy định, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, sự việc lại tái diễn.
“Hiện nay, trên địa bàn phường Kim Long có một số hộ chăn nuôi bò thả rông nơi công cộng, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. UBND phường nhiều lần nhắc nhở và xử phạt hành vi vi phạm hành chính, nhưng tình trạng thả rông trâu, bò vẫn tiếp diễn. Ngày 7/2 và ngày 9/2/2022, UBND phường đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với hộ ông Nguyễn Văn Quang, thường trú tại 53 Nguyễn Phúc Lan, phường Kim Long. UBND phường yêu cầu ông Quang phải chấp hành nghiêm việc không được chăn thả bò nơi công cộng, gây ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan”, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Long - Trần Trung Hiếu cho biết.
Liên quan đến ý kiến của người dân về việc bò thả rông ở đường Võ Văn Kiệt, UBND phường An Tây đã kiểm tra và khẳng định, năm 2021, UBND phường đã tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp như: tuyên truyền, vận động bà con chấp hành việc chăn nuôi gia súc có người chăn dắt, đảm bảo chuồng trại đúng quy định và chuyển đổi ngành nghề thích ứng phù hợp.
Tuy nhiên, việc xử lý bò thả rông gặp những vấn đề phát sinh như: gia súc thả rông từ các địa phương lân cận di chuyển đến; việc bắt, tạm giữ gia súc để xử lý vi phạm cần nhân lực chuyên nghiệp và chuồng trại để nuôi nhốt… nên ít nhiều ảnh hưởng đến công tác xử lý vi phạm. Hiện nay, UBND phường đang triển khai đánh số đối với đàn gia súc trâu, bò để thuận lợi hơn trong công tác quản lý và xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.
UBND phường Xuân Phú cũng đã sử dụng nhiều biện pháp để xử lý trường hợp người chăn nuôi trâu, bò thả rông. Đó là cho cam đoan, vận động nhắc nhở và xử phạt vi phạm hành chính nhiều lần, thậm chí đã tháo dỡ chuồng bò trái quy định. Thế nhưng, tình trạng thả rông trâu bò trong khu dân cư trái quy định vẫn tiếp tục xảy ra. Để xử lý nghiêm, UBND phường tiếp tục làm việc với chủ đàn trâu, bò; đồng thời, xây dựng kế hoạch, phối hợp với Đội Quản lý đô thị TP. Huế tạm giữ số trâu, bò thả rông vi phạm, xử lý nghiêm theo quy định...
Cần những quy định cụ thể và chặt chẽ hơn
Theo khoản 2 Điều 10, Nghị định 46/2016/NĐ-CP, hành vi để súc vật đi trên đường bộ không bảo đảm an toàn cho người và phương tiện đang tham gia giao thông chỉ bị phạt tiền từ 60.000 - 80.000 đồng. Nghị định 167/2013/NĐ-CP, ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối hành vi thả rông động vật nuôi nơi công cộng; phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với hành vi để động vật nuôi gây thiệt hại tài sản cho người khác…
Chưa kể, việc địa phương tổ chức bắt nhốt đàn trâu, bò thả rông, không người quản lý cũng bất cập bởi các phường, xã không có lực lượng canh giữ cũng như chăm sóc trâu, bò trong suốt thời gian chờ chủ đến giải quyết. Nhiều trường hợp chủ đàn bò không chịu đến nhận; bò chết sau một thời gian bị nhốt trong chuồng, chính quyền địa phương phải bỏ tiền ra đền bù cho người dân theo giá thị trường.
Theo nhiều người dân, do hình thức xử phạt hành chính theo quy định còn nhẹ nên tình trạng các hộ chăn nuôi viết cam kết lần 2, lần 3, thậm chí lần 4, lần 5 về việc không thả rông bò trên địa bàn nhưng vẫn tái phạm không phải là chuyện hiếm.
Trong quá trình đô thị hóa, nhiều hộ nông dân không có điều kiện chuyển đổi ngành nghề nên cố gắng thoát nghèo bằng cách theo đuổi việc chăn nuôi gia súc, gia cầm. Với những trường hợp này, nhiều địa phương cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình xử lý do tâm lý không muốn “triệt đường” làm ăn của bà con.
Để giải quyết tận gốc vấn đề người dân chăn nuôi trâu, bò rồi thả rông trong đô thị, bên cạnh việc xử lý theo quy định thì cần phải kết hợp các biện pháp tuyên truyền pháp luật, nâng cao nhận thức, ý thức thị dân của người dân và điều quan trọng nhất là chính quyền phải có cơ chế khuyến khích để người dân chuyển đổi nghề nghiệp, có cơ hội tìm kiếm việc làm, cải thiện đời sống...
Bài, ảnh: Tâm Anh