Bàn giao nhà tình thương và các đồ điện gia dụng cho hộ gia đình ở Nam Đông. Ảnh: LHCTCHN tỉnh
Từ năm 2015 đến nay, thông qua công tác đối ngoại Nhân dân, LHCTCHN tỉnh đã hỗ trợ kinh phí hơn 21 tỷ đồng để khắc phục hậu quả chiến tranh bằng việc đầu tư rà phá bom mìn, giải phóng hơn 230ha đất phục vụ canh tác và phát triển kinh tế - xã hội cho nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh.
Có đất sạch để sản xuất, nhiều mô hình nông thôn tổng hợp cũng đã được LHCTCHN tỉnh phối hợp với cấp ủy, chính quyền và người dân địa phương tích cực phát triển kinh tế; góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng, làm thay đổi diện mạo nông thôn mới, nhất là phát triển các mô hinh kết nối thị trường.
Chủ tịch UBND huyện A Lưới, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, không chỉ hỗ trợ thử nghiệm và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp, nhiều lớp đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện A Lưới cũng đã được LHCTCHN tỉnh quan tâm; góp phần giảm đáng kể tỷ lệ hộ nghèo, hộ không có việc làm trên địa bàn huyện; cuộc sống người dân không ngừng nâng lên.
Từ sự hỗ trợ của LHCTCHN tỉnh, nhiều căn nhà tình thương cũng đã đến với người khuyết tật, già yếu, neo đơn, hộ nghèo, bệnh tật, chất độc da cam… trên địa bàn tỉnh. “Sau bao năm khó khăn về nhà ở, nay, gia đình tôi được chính quyền địa phương đầu tư xây dựng “nhà tình thương” bằng nguồn hỗ trợ thông qua các kênh của tỉnh. Cuộc sống nay cũng đã đỡ khó khăn hơn trước nhiều”, bà Nguyễn Thị Lựu, trú tại xã Phú Mỹ (Phú Vang), một trong những hộ được hỗ trợ chia sẻ.
Để thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thời gian qua, LHCTCHN tỉnh đã chi hơn 3,2 tỷ đồng để hỗ trợ các địa phương vùng ven biển, đầm phá trên địa bàn tỉnh xây dựng các mô hình mang lại hiệu quả. Hàng loạt trộ chuôm làm bãi đẻ tự nhiên cho cá; trồng rừng ngập mặn; xây dựng bể tẩy rửa lừ tại xã Quảng Lợi (Quảng Điền). Nhiều lớp tập huấn truyền thông về môi trường đã giúp bà con các xã vùng ven biển, đầm phá như: Quảng Lợi (Quảng Điền), Phong Hòa (Phong Điền)… không ngừng nâng cao ý thức người dân trong bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
“Thực tế cho thấy, các chương trình, dự án PCPNN do LHCTCHN tỉnh vận động, triển khai thực hiện thời gian qua không chỉ giải quyết các vấn đề khó khăn trong đời sống xã hội, mà còn chia sẻ các kinh nghiệm, mô hình sản xuất hiệu quả, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến để nâng cao năng suất lao động cho không ít người dân khó khăn. Không những thế, hoạt động chính là kênh quan trọng để củng cố giao lưu Nhân dân tỉnh nhà với các tổ chức, các đối tác nước ngoài”, ông Trần Công Phú, Giám đốc Sở Ngoại vụ trao đổi.
Với phương châm “chủ động, linh hoạt, sáng tạo, hiệu quả” trong công tác đối ngoại Nhân dân, LHCTCHN tỉnh tiếp tục bám sát mục tiêu, chương trình, kế hoạch đối ngoại của tỉnh bằng việc đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung lẫn phương thức hoạt động, củng cố tổ chức hội vững mạnh; góp phần tích cực xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị; cùng với toàn hệ thống chính trị của địa phương tham gia phòng, chống dịch COVID-19 mang lại hiệu quả cao.
“Thời gian tới, LHCTCHN tỉnh không ngừng củng cố, nâng cao hiệu quả công tác của mình và các hội thành viên; tiếp tục tham mưu, quảng bá rộng rãi hình ảnh đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Việt Nam, tỉnh Thừa Thiên Huế với bạn bè quốc tế, với người Việt Nam ở nước ngoài. Đẩy mạnh công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu liên quan phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là trên các lĩnh vực cải thiện sinh kế, công nghệ và nguồn lực tài chính, góp phần thực hiện các mục tiêu giảm nghèo, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; tiếp tục vận động, hợp tác có hiệu quả với các đối tác trong công tác khắc phục hậu quả chiến tranh, chất độc da cam, bom mìn, giảm nghèo bền vững, từ thiện nhân đạo, bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, hỗ trợ kỹ thuật, tăng trưởng xanh. Mục tiêu là, xây dựng hình ảnh thân thiện của tỉnh Thừa Thiên Huế đối với bạn bè và các đối tác quốc tế”, bà Trần Thị Mai, Chủ tịch LHCTCHN tỉnh khẳng định.
Từ năm 2015 đến nay, LHCTCHN tỉnh đã đón 160 đoàn khách quốc tế, với hơn 1.600 lượt người; vận động các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tài trợ thực hiện 91 chương trình, dự án viện trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển với tổng số tiền hơn 47,8 tỷ đồng; trao 723 suất học bổng; rà phá bom mìn, giải phóng hơn 230ha đất phục vụ canh tác…
Anh Phong