Học sinh ngồi giãn cách trong lớp học

Lo nhất là phụ huynh

Nhiều phụ huynh mà chúng tôi gặp tỏ ra e ngại về việc cho con em quay trở lại trường, khi xuất hiện nhiều ca F0 trong trường học. Chị Lê Thị T., có con học ở Trường tiểu học V.N cho biết, con trai chị bị F0 khi bạn ngồi cạnh bên bị F0. Dẫu động viên con ở nhà nghỉ ngơi, học online nhưng tâm trạng chị khá lo lắng nên đã khai báo y tế để có hướng điều trị hợp lý tại nhà.

Một phụ huynh khác là chị Nguyễn Thị Thu phấp phỏng, gia đình thật sự chưa yên tâm để con đi học trở lại. Tuy nhiên, với việc để con ở nhà học trực tuyến lâu không phải là giải pháp tốt nhất.

Chị Nguyễn Thị Hiền, có con học ở Trường tiểu học Phước Vĩnh bày tỏ, đã dặn dò rất kỹ các biện pháp phòng, chống dịch cho con khi đến lớp. Chị cũng đã chuẩn bị rất kỹ cho con về cả tinh thần lẫn hành trang, từ các vật dụng học tập cho đến khẩu trang, nước sát khuẩn. Tuy nhiên, các con ở lứa tuổi tiểu học còn quá nhỏ nên rất khó để kiểm soát được hành vi. Nếu được tiêm vắc-xin thì khi cho con đến trường tôi sẽ thấy yên tâm hơn.

Cho học sinh trở lại trường ở thời điểm hiện tại được xem là hợp lý. Việc học sinh ở nhà quá dài, nhất là ở khối 1, khiến các cháu bị hổng kiến thức cơ bản. Thời gian học tại nhà, nhiều phụ huynh gặp khó khăn trong hướng dẫn bài cho các em cũng như công việc.

Linh hoạt trong dạy học

Thực hiện Nghị quyết số 128/NQ - CP của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", Bộ Y tế xây dựng, bổ sung một số nội dung hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 trong trường học để tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở giáo dục khi tổ chức dạy, học trực tiếp. Quy trình 4 bước, xác định rõ trách nhiệm cụ thể của nhà trường, địa phương, cán bộ y tế cơ sở và phụ huynh khi phát hiện trường hợp mắc COVID-19 trong cơ sở giáo dục.

Thầy giáo Hiệu trưởng Dương Văn Chung - Trường tiểu học Phú Hậu cho biết, nhiều học sinh không có điều kiện học online nên nhà trường linh động giải quyết phương án học tập cho từng lớp. Phát hiện có học sinh là F0, trường điều tra để xác định các học sinh là F1 để yêu cầu cách ly tại nhà và chuyển qua dạy học trực tuyến. Dù cũng đã khá quen, nhưng khi triển khai dạy học song song hai hình thức “on - off” vẫn mất nhiều thời gian chuẩn bị thiết bị kết nối với học sinh thuộc diện F học qua Zoom và bài vở dạy trực tiếp.

 Theo Hiệu trưởng Dương Quang Nam, trường tiểu học Trần Quốc Toản, Trường tổ chức dạy online cho các em nghỉ học vào buổi tối. Giáo viên bị F0 thì phải phân công giáo viên trong tổ dạy thay. Khi phát hiện các có dấu hiệu cảm cúm, giáo viên chủ nhiệm sẽ dẫn các em lên phòng y tế để nhân viên y tế chăm sóc. Nếu có kết quả dương tính sẽ thông báo đến  phụ huynh đón  các em về. Trường có chủ trương tuyên truyền khi bạn bị ốm, nhân viên y tế nhẹ nhàng xử lý để tránh kỳ thị.

Nhằm phục vụ cho hai hình thức học cùng một lúc, nhiều trường học đã trang bị thêm camera ghi hình tiết dạy và chia sẻ trực tiếp đến học sinh thuộc diện F0 và F1 học qua Zoom, giúp các em theo dõi bài giảng. Cách dạy này vẫn có nhiều bất cập như chữ trên bảng không rõ, lẫn nhiều tạp âm, sự tương tác giữa cô và trò kém... Tuy nhiên, đây là phương án phù hợp và thuận tiện nhất hiện nay.

Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo khẳng định, để đi học trực tiếp được bảo đảm, bên cạnh triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch, các trường được chỉ đạo lồng ghép tuyên truyền đến học sinh về việc không phân biệt đối xử, kỳ thị đối với các trường hợp F0. 

Khi bị dương tính, cần phải chủ động phòng, chống lây nhiễm cho người khác và thông báo để bạn bè, người thân, những người xung quanh biết để cùng phòng tránh lây nhiễm. Giáo viên chủ nhiệm cần thường xuyên theo dõi thăm hỏi, động viên hỗ trợ, trả lời những nội dung phụ huynh cần trao đổi. Đặc biệt, các trường chỉ thông báo chung chứ không nêu họ tên các trường hợp F0, F1... Bên cạnh đó, cùng xây dựng kế hoạch điều trị tại nơi tập trung hoặc tại nhà, hướng dẫn dưới cờ cho các em. Chuẩn bị tâm lý cho các em, ai cũng có thể vô tình dương tính và nếu mọi người biết làm đúng cách sẽ kiểm soát được bệnh tật.

Bài, ảnh: Phương Uyên - Huế Thu