Tại Thừa Thiên Huế, chỉ tính riêng tháng 1 năm 2022 đã có gần 60 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký 498 tỷ đồng, tăng 35,7% về số lượng DN và tăng 65,9% về vốn so với cùng kỳ. Ngoài ra, có 183 DN hoạt động trở lại, tăng 59 DN so với cùng kỳ.

Điều đó cho thấy, sau hai năm gián đoạn do dịch COVID-19, nay một số DN đã bắt đầu tìm được hướng đi thích ứng và quay trở lại hoạt động, nhất là khi vắc-xin đã được bao phủ hai mũi cơ bản cho người dân trên 18 tuổi, các đường bay trong nước đã kết nối và đường bay quốc tế chuẩn bị mở cửa hoàn toàn. Các chương trình, chính sách phục hồi nền kinh tế cũng được Chính phủ triển khai, như gói chính sách về tài khóa, tiền tệ với quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng được kỳ vọng sẽ là đòn bẩy giúp khôi phục chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, việc làm, giúp tăng trưởng nền kinh tế. Bên cạnh đó, việc giảm 2% thuế VAT cũng là điều kiện cần thiết để chia sẻ khó khăn và giúp DN phát triển.

Tại Thừa Thiên Huế, ngoài triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh cũng triển khai nhiều chương trình, hành động, chính sách để giúp DN phục hồi, quay trở lại hoạt động, bao gồm hỗ trợ chuyển đổi chữ ký số, phát triển tài sản trí tuệ, hóa đơn điện tử, miễn phí cho DN thay đổi và thành lập mới. Theo đó, đã có hơn 5.000 lượt DN nhận được hỗ trợ từ các chính sách của Chính phủ và tỉnh. Trong đó, có 2.363 DN được giảm mức đóng bảo hiểm thất nghiệp; hơn 1.000 DN được hỗ trợ thực hiện chữ ký số, hóa đơn điện tử, chi phí thuê kế toán; 43 tổ chức, DN được hỗ trợ đổi mới, cải tiến công nghệ, phát triển tài sản trí tuệ; hoàn thiện 800 hồ sơ miễn phí cho các DN đăng ký thay đổi và 364 DN thành lập mới…

Mới đây, tỉnh còn thành lập 4 tổ công tác liên ngành đặc biệt về xúc tiến và hỗ trợ đầu tư của tỉnh do Chủ tịch và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm tổ trưởng; các tổ phó, thành viên đều là lãnh đạo đầu ngành, cho thấy quyết tâm cao của tỉnh trong việc xúc tiến, kêu gọi đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án và hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư DA trên địa bàn.

Dù vậy, đa số các DN trên địa bàn đều nhỏ và siêu nhỏ, quy mô hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đó vẫn còn bó hẹp trong phạm vi địa phương, vùng, khu vực. Muốn tạo ra giá trị lớn cho nền kinh tế, nhất là về nguồn thu ngân sách, vẫn cần những DN đầu tàu. Muốn được vậy phải có những cơ chế, chính sách thu hút đầu tư thông thoáng, cởi mở hơn nữa để cạnh tranh với những địa phương khác trong kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, ngoài nỗ lực của DN nhỏ và siêu nhỏ, cũng cần có những hỗ trợ thiết thực cho họ, nhất là trong kết nối, tìm kiếm thị trường, đầu ra... Bởi, dù quay trở lại hoạt động, song, vẫn còn rất nhiều DN “yếu” chưa phục hồi được sức lực để “chạy đà” cho giai đoạn tiếp theo chứ chưa nói đến “chạy đường dài”.

TÂM HUỆ