Chó thả rông gây nguy hiểm cho người đi đường. Ảnh: MC

Tiền mất tật mang

Theo nhiều người phản ánh, trong các loại vật nuôi thì chó là loài gây “ám ảnh” nhất khi tham gia giao thông, bởi không ít người đã bị tai nạn nghiêm trọng do chó thả rông gây ra. Trường hợp chị Ngô Thị Lựu, công nhân một nhà máy tại thị trấn Phú Đa, huyện Phú Vang vừa qua phải nhập viện vì tai nạn giao thông sau cú va chạm mạnh với một chú chó trên đường Võ Trác (thị xã Hương Thủy), nguyên nhân là chú chó bất ngờ lao nhanh ra đường, đâm vào xe máy, cú tông mạnh khiến chị Lựu ngã, đầu đập xuống đường, gãy tay trái, gãy răng và sây sát nhiều vùng trên cơ thể, chiếc xe máy hư hỏng nặng, may mắn được người dân đưa đi cấp cứu kịp thời.

Mới đây anh Hoàng Mạnh Hùng, trú tại Khu tập thể Xã Tắc, phường Thuận Hòa, TP. Huế hôm 28/2 vừa qua đã “lãnh” một vụ tai nạn giao thông từ một chú chó trên đường Kim Long dẫn đến chấn thương cánh tay trái do va đập với lề đường. Theo nhiều nạn nhân cho biết, chó thường rất mạnh sau khi gây tai nạn xong có thể vùng dậy và “tẩu thoát”, thậm chí có trường hợp còn quay lại cắn nạn nhân, vì là thả rông nên đa số không thể truy trách nhiệm cho chủ nhân con vật khi nó gây ra hậu quả cho người khác.

Cũng có trường hợp, sau khi xảy ra tai nạn với động vật nuôi, nạn nhân còn chịu mất tiền với chủ con vật. Chính người viết đã gặp phải khi tham gia giao thông trên Quốc lộ 1A đoạn qua phường Hương Văn, thị xã Hương Trà, do trời mưa khó quan sát nên đã tông phải chú chó nhỏ đang “ngang nhiên” đi trên đường. Tuy cú va chạm không mạnh nhưng khi nghe chó kêu la thì chủ nhân của nó đã có mặt để bắt đền… bị hại với ký do hết sức vô lý “chó bị xe tông chứ không phải xe bị chó tông”. Sau nhiều lần lời qua tiếng lại tuy đã được giải thích việc thả rông, không quản lý để chó lang thang trên Quốc lộ là vi phạm pháp luật nhưng người này vẫn yêu cầu bị hại bồi thường tiền… thuốc thang với giá gần 1 triệu đồng. Cũng không muốn đôi co nên người viết đành ngậm ngùi “tiền mất tật mang”.

Kết hợp xử lý với thay đổi tập quán, mô hình chăn nuôi

Việc xử lý các trường hợp thả rông động vật nuôi tại các nơi công cộng, làm mất cảnh quan, môi trường hoặc làm ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng người khác đã được pháp luật quy định rất cụ thể thế nhưng trên thực tế việc này như “bắt cóc bỏ dĩa” do chế tài chưa nghiêm, các cơ quan chức năng lấy tuyên truyền, vận động cho các hộ dân ký cam đoan, cam kết không chăn thả gia súc (trâu, bò), vật nuôi tại nơi công cộng hoặc thả rông chó, mèo ra đường mà không có người quản lý, chăn dắt…; các trường hợp tái phạm thì xử phạt vi phạm hành chính với số tiền chưa có sức răn đe, dẫn đến hiện tượng tiếp tục vi phạm pháp luật.

Hiện nay, Chính phủ đã ban hành Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình, thay thế cho Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức xử phạt cao hơn, trong đó có hành vi thả rông động vật nuôi trong đô thị hoặc nơi công cộng bị xử phạt vi phạm hành chính từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng. Trường hợp để động vật nuôi gây thương tích hoặc gây thiệt hại tài sản cho tổ chức, cá nhân khác nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị xử phạt từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.

Bên cạnh việc xử lý theo quy định của pháp luật, thiết nghĩ các cơ quan chức năng và người dân cần chú trọng đến việc tuyên truyền, vận động và chấp hành các quy định về xây dựng văn minh đô thị, thực hiện nếp sống có văn hóa; thay đổi tập quán chăn nuôi các loại gia súc từ chăn thả sang nuôi nhốt, quản lý chặt chẽ các loại vật nuôi, thú cưng như chó, mèo…; chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp cho người dân ở các khu vực ngoại ô, nơi có tốc độ đô thị hóa nông thôn nhanh có nghề chăn thả gia súc nhỏ lẻ sang mô hình tập trung, xa khu dân cư, xa đô thị,... Có như vậy thì mới chấm dứt các vấn nạn nhứt nhối do động vật nuôi gây ra trong thành phố “sáng, xanh, sạch, đẹp”.

HOÀI AN