Nguy cơ tái nhiễm ở những bệnh nhân đã mắc Omicron là rất thấp. Ảnh minh họa: VTV.vn

Nguy cơ tái nhiễm thấp

Trả lời phóng viên báo Straistimes News, giới chuyên gia nhận định, khả năng người bệnh tái nhiễm sau khi mắc biến thể Omicron của COVID-19 hiện nay là khá thấp.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho biết rằng, khả năng tái nhiễm của một người đã mắc Omicron là thấp hơn so với những người nhiễm các biến thể khác và thời gian là một yếu tố quan trọng trong việc xác định nguy cơ tái nhiễm này. Tuy nhiên, vaccine vẫn được xem là chìa khóa để giảm nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong.

Phó Giáo sư Hsu Li Yang, Phó Trưởng khoa Y tế Toàn cầu tại trường Y tế Công cộng Saw Swee Hock thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS) thông tin, nguy cơ tái nhiễm với biến thể phụ BA.2 – một trong 2 biến thể của Omicron vào thời điểm hiện tại là rất thấp.

“Biến thể Omicron mới xuất hiện tại Singapore được vài tháng. Vì vậy, bất kỳ ai tại đất nước này cũng chỉ vừa bị nhiễm Omicron vào từ 2-3 tháng trước. Khả năng tái nhiễm COVID-19 đối với họ là cực kỳ thấp”, Phó Giáo sư Hsu Li Yang cho biết.

Bên cạnh đó, rủi ro tái nhiễm bởi cùng 1 chủng Omicron trong năm đầu tiên cũng không đáng kể. Song hiện vẫn chưa đủ bằng chứng chắc chắn để khẳng định điều này.

Trong một ý kiến có liên quan, Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia tư vấn cấp cao tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Đại học Quốc gia Mỹ cho biết, các nghiên cứu gần đây cho thấy tình trạng tái nhiễm sau 2 tháng đầu tiên ở các bệnh nhân đã từng nhiễm Omicron là không phổ biến.

Nhưng rủi ro sẽ tăng lên trong trường hợp bệnh nhân đó đã từng nhiễm một chủng virus khác và hiện “đã tiếp xúc” với Omicron.

Cũng nhận định về vấn đề này, Giáo sư Paul Tambyal thuộc Trường Y Yong Loo Lin thuộc NUS phát biểu rằng, dữ liệu từ Anh cho thấy nguy cơ tái nhiễm “tuy nhỏ nhưng vẫn có” ở một số bệnh nhân. Song nhìn chung, vẫn rất khó tái nhiễm - tương đương khả năng ai đó có thể bị thủy đậu 2 lần.

Về khả năng đã nhiễm Omicron và tái nhiễm các biến thể khác và khả năng bảo vệ khỏi hậu quả của COVID-19

Như vậy, cả Giáo sư Paul Tambyal và Giáo sư Dale Fisher đều cho biết, hiện tại cũng không có khả năng một người đã nhiễm Omicron sẽ bị tái nhiễm với một biến thể khác.

“Với tốc độ lây truyền hiện nay, Omicron là biến thể thống trị trên toàn cầu. Vì vậy, việc lây nhiễm bởi một biến thể khác là điều khó có thể xảy ra vào lúc này”, Giáo sư Dale Fisher khẳng định.

Tuy nhiên, Omicron vẫn có thể đột biến thành một dạng khác, qua đó phá vỡ khả năng miễn dịch của phiên bản Omicron hiện tại.

Giáo sư Hsu Li Yang nhận định: “Tôi cho rằng những người đã nhiễm Omicron cuối cùng vẫn sẽ bị lây nhiễm bởi các biến thể mới hơn khác trong tương lai - điều này phù hợp với những gì chúng tôi đã thấy và đã được minh chứng từ trước đến nay”.

Đáp lại, Giáo sư Paul Tambyah cho thấy, bởi vì Omicron đã tiến hóa để không gây ra bệnh nặng ở người, nên rất có thể, biến thể Omicron sẽ cung cấp khả năng bảo vệ rộng rãi trước các biến thể khác, bao gồm cả những biến thể nhẹ hơn và dễ lây truyền hơn trong tương lai.

Virus càng nhẹ, chúng ta càng có nhiều khả năng ra ngoài và tiếp xúc với nhiều người hơn, những người có thể lây nhiễm cho chúng ta các chủng virus khác.

Sự tiếp xúc này cho phép mọi người trở nên miễn dịch với các chủng mới mà không trở bệnh nặng. Vì vậy, trong những trường hợp này, mặc dù Omicron có thể không nhất thiết bảo vệ con người khỏi nguy cơ tái nhiễm, thì nó vẫn sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những hậu quả nghiêm trọng của COVID-19.

Cũng cần phải kể đến rằng, vai trò của vaccine là rất lớn. Cụ thể, đối với những người đã tiêm đủ lượng vaccine phòng COVID-19 cần thiết, số ca tử vong đã giảm đi từ 8-10 lần so với những ai chưa được tiêm chủng, hoặc chỉ tiêm 1 mũi.

Điều quan trọng nhất là khả năng chống lại tình trạng bệnh trở nặng và hiện hiệu quả này vẫn không thay đổi. Nếu vaccine và thuốc mất tác dụng đối với khả năng giảm nguy cơ bệnh nặng, chúng ta sẽ phải lo lắng. Nhưng cho đến nay, việc nhiễm bệnh và tái nhiễm là “nhẹ” ở những người đã được tiêm chủng, giới chuyên gia khẳng định.

Đan Lê (Lược dịch từ Straistimes News)