Phụ nữ và trẻ em gái đi bộ trên một con đường tại thủ đô Kabul, Afghanistan. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Đây là nhận định được Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc (UNFPA), ông Bjorn Andersson đưa ra trong một bài viết được đăng tải trên Tờ The Jakarta Post ngày hôm nay (8/3).
Theo ông Bjorn Andersson, biến đổi khí hậu là sự nhân lên của các dạng dễ bị tổn thương và bất bình đẳng vốn đã tồn tại từ trước, bao gồm cả bất bình đẳng giới, thường dẫn đến những tác động tiêu cực đối với phụ nữ và trẻ em gái. Trong giai đoạn 2010 - 2020, châu Á - Thái Bình Dương đã chiếm ba phần tư trong số 122 triệu người bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Trong bối cảnh châu Á - Thái Bình Dương là khu vực hứng chịu nhiều thiên tai nhất trên thế giới, chúng ta không thể bỏ qua những tác động không cân xứng của biến đổi khí hậu đối với phụ nữ và trẻ em gái. Bên cạnh đó, bạo lực trên cơ sở giới và những hành vi gây hại có sự gia tăng trong các nhóm dân số bị ảnh hưởng bởi vấn đề khí hậu. Những trường hợp khẩn cấp liên quan đến khí hậu cũng gây ra sự gián đoạn lớn trong việc tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản và tình dục thiết yếu, cũng như các loại thuốc cứu sinh.
Tất cả các bên liên quan đều đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo những nỗ lực thích ứng với biến đổi khí hậu, cũng như việc chuẩn bị, ứng phó và khắc phục sớm hậu quả thiên tai cần có được khả năng chống chịu với khí hậu và bao trùm hơn. Điều này sẽ đảm bảo rằng, phụ nữ được tiếp cận với các dịch vụ và thông tin về tình dục và sinh sản.
Tiếp đó, Giám đốc khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNFPA lưu ý, tại Hội nghị Thế giới lần thứ tư về Phụ nữ được tổ chức ở thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) hồi năm 1995, cộng đồng toàn cầu đã nhất trí thúc đẩy một chính sách tích cực và rõ ràng về việc lồng ghép quan điểm về giới vào tất cả các chính sách và chương trình. Hơn 25 năm sau đó, chúng ta thấy rằng, tiến độ đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ còn chậm.
Vì lý do này, UNFPA và các đối tác đang đẩy mạnh nỗ lực để đảo ngược xu hướng đáng lo ngại đó, đồng thời đạt được sự tiếp cận toàn diện đối với các quyền và sức khỏe sinh sản, tình dục toàn diện cho tất cả mọi người.
Nhằm đảm bảo một tương lai tốt đẹp và bền vững hơn cho tất cả mọi người, điều quan trọng là cần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi, bao gồm thông qua các dịch vụ sức khỏe bà mẹ và kế hoạch hóa gia đình, tăng cường ra quyết định liên quan đến sức khỏe sinh sản và tình dục, bằng cách tăng cường các chính sách, các tổ chức và các mạng lưới nữ quyền và thanh niên, nhằm thúc đẩy và bảo vệ những nội dung này, hướng tới xây dựng các xã hội linh hoạt, đặc biệt là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho vấn đề này, UNFPA đang nỗ lực mang đến một thế giới mà phụ nữ có thể dẫn đầu trong việc đảm bảo một tương lai bền vững.
Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3), UNFPA kêu gọi tất cả các Chính phủ tham gia cùng các nỗ lực và đầu tư để phổ cập sự tiếp cận về quyền và sức khỏe tình dục, sinh sản cho tất cả mọi người, bao gồm bằng cách đảm bảo sự tham gia có ý nghĩa của phụ nữ và trẻ em gái trong hành động khí hậu.
Được biết, Liên Hiệp quc (LHQ) đã chọn “Bình đẳng hôm nay vì một ngày mai bền vững” là chủ đề của Ngày Quốc tế Phụ nữ năm 2022.
Lê Thảo (Lược dịch từ The Jakarta Post & The Straits Times)