Công an TP. Huế khởi tố các đối tượng giải quyết mâu thuẫn bằng dao kiếm

Chỉ cần một cái nhìn thiếu thiện chí, một lời bông đùa, sự ghen tuông hay một hành động khác... là có thể dẫn đến việc xung đột giữa các nhóm thanh niên với nhau.

Như vụ việc gần đây xảy ra tại địa chỉ 114, đường Kim Long (TP. Huế). Chỉ vì mâu thuẫn và xung đột với người yêu, đã dẫn đến ẩu đã giữa hai phe nhóm với sự tham gia của hàng chục đối tượng trẻ, mang theo dao, kiếm để đánh, chém.

Hay gần đây, do mâu thuẫn trong lời qua tiếng lại, một thanh niên trú tại phường Tứ Hạ (TX. Hương Trà) rút dao nhọn mang theo trong người đâm nhiều nhát vào hai thanh niên khác gây thương tích.

Không chỉ dùng hung khí là dao, kiếm, có nhóm thanh niên còn sử dụng vỏ chai bia, thắt lưng để giải quyết mâu thuẫn, gây thương tích nặng cho nạn nhân như vụ việc mới xảy ra tại phường Thuận Lộc (TP. Huế); chỉ vì ghen tuông, một thanh niên hẹn thêm 4 đối tượng khác cùng mình dùng những vật dụng trên để đánh nạn nhân.

Trung tá Lê Ngọc Minh, Đội trưởng Đội Cảnh sát hình sự Công an TP. Huế cho biết, tình trạng các nhóm thanh, thiếu niên dùng hung khí giải quyết mâu thuẫn trên địa bàn có chiều hướng gia tăng, nhất là thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Nhiều người dân cho rằng, một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng trên chính là, hậu quả của việc sử dụng rượu bia, ma túy và các chất kích thích khác của giới trẻ.

Ngoài những lý do trên, còn xuất phát từ môi trường sống bạo lực, nghiện game bạo lực, xem phim ảnh, truyện tranh thiếu lành mạnh... cũng là nguyên nhân dẫn đến xu hướng côn đồ, bạo lực trong giới trẻ. Thực tế cho thấy, nhiều vụ việc mâu thuẫn nhỏ, nhưng nhiều nhóm thanh thiếu niên chọn cách đánh nhau để giải quyết.

Thượng tá Nguyễn Viết Hoàng, Trưởng Công an TP. Huế nhìn nhận, một bộ phận giới trẻ hiện nay thiếu văn hóa ứng xử, không có kỹ năng xử lý tình huống. Nhiều vụ việc xích mích, va chạm nhỏ nhưng lại đẩy lên thành xung đột, bạo lực. Điều này cho thấy, nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận giới trẻ chưa cao.

Để hạn chế hành vi côn đồ, bạo lực cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao nhận thức; tăng cường giáo dục đạo đức, nhân cách cho giới trẻ, nhất là văn hóa ứng xử và cách thức, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, bất đồng. Lực lượng chức năng thường xuyên ra quân truy quét và xóa sổ các băng nhóm tội phạm hoạt động phi pháp; thường xuyên tuần tra, kiểm soát để nắm bắt, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vụ ẩu đả, đánh nhau; đồng thời, công khai việc xử lý để giáo dục, răn đe chung. Có như vậy, mới có thể hạn chế tình trạng côn đồ lộng hành đang có chiều hướng gia tăng.

 Bài, ảnh: Anh Phong