Trang trại thủy điện - điện mặt trời đập Sirindhorn ở tỉnh Ubon Ratchathani, Thái Lan sở hữu hơn 144.000 tấm pin mặt trời. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Công trình rộng lớn này bao phủ 720.000 m3 mặt nước, đây là một hệ thống kết hợp có thể sản xuất điện mặt trời vào ban ngày và thủy điện vào ban đêm.

Được các nhà chức trách gọi là "trang trại thủy điện - điện mặt trời nổi lớn nhất thế giới", dự án đập Sirindhorn ở tỉnh Ubon Ratchathani, phía đông bắc Thái Lan là dự án đầu tiên, trong số 15 trang trại thủy điện - điện mặt trời mà quốc gia này có kế hoạch xây dựng đến năm 2037.

Đáng chú ý, Thái Lan đang đẩy mạnh các nỗ lực để từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, và tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra ở Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh) hồi năm ngoái, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đã đặt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050, và tiếp đó là mục tiêu phát thải khí nhà kính ròng bằng 0 vào năm 2065.

Trang trại thủy điện - điện mặt trời đập Sirindhorn đã bắt đầu hoạt động vào tháng 10 năm ngoái, với hơn 144.000 tấm pin mặt trời, bao phủ một diện tích tương đương với 70 sân bóng đá, và có thể tạo ra 45 megawatt (MW) điện. "Đây là dự án đầu tiên và lớn nhất trên thế giới", ông Prasertsak Cherngchawano, Phó Thống đốc Cơ quan Phát điện Thái Lan (EGAT) nói với Hãng Thông tấn AFP.

Theo EGAT, dự án năng lượng kết hợp này nhằm mục đích cắt giảm 47.000 tấn khí thải CO2 mỗi năm, đồng thời hỗ trợ Thái Lan thúc đẩy sản xuất 30% năng lượng từ năng lượng tái tạo vào năm 2037.

Chuyển đổi xanh

Dù vậy, để đạt được những mục tiêu này sẽ đòi hỏi một cuộc cải tổ lớn về sản xuất điện. Theo Văn phòng Kế hoạch và Chính sách Năng lượng, một cơ quan thuộc Bộ Năng lượng Thái Lan, quốc gia này vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, với 55% điện năng từ khí đốt tự nhiên tính đến tháng 10 năm ngoái, so với 11% điện năng từ năng lượng tái tạo và thủy điện.

Qua đó, EGAT đang có kế hoạch từng bước lắp đặt các trang trại thủy điện - điện mặt trời nổi trên 15 con đập nữa trên khắp Thái Lan đến năm 2037, với tổng công suất phát điện là 2.725 MW.

Được biết, dự án đập Sirindhorn có tổng trị giá 35 triệu USD, và mất gần 2 năm để xây dựng. Hầu hết lượng điện năng được tạo ra từ trang trại thủy điện - điện mặt trời nổi này sẽ được chuyển đến cơ quan quản lý điện lực của tỉnh Ubon Ratchathani, cơ quan phân phối điện cho các hộ gia đình và doanh nghiệp ở các tỉnh thuộc khu vực phía đông bắc Thái Lan.

Tiềm năng du lịch

Bên cạnh việc sản xuất điện, các quan chức hy vọng trang trại năng lượng mặt trời khổng lồ này cũng sẽ thu hút khách du lịch.

Một "con đường đi bộ tự nhiên" dài 415m đã được xây dựng để đem đến cho du khách cái nhìn toàn cảnh đập nước, cùng những tấm pin năng lượng mặt trời nổi.

"Khi tôi biết con đập này sở hữu trang trại thủy điện - điện mặt trời nổi lớn nhất trên thế giới; tôi nhận ra rằng, rất đáng để tận mắt chứng kiến công trình này", du khách Duangrat Meesit, 46 tuổi chia sẻ với Hãng Thông tấn AFP.

Lê Thảo (Lược dịch từ AFP & CNA)