Ngày 15/3 là thời điểm mở cửa đón khách quốc tế trở lại

Thời điểm để du lịch quốc tế trở lại

Dữ liệu phân tích của Google theo dõi xu hướng du lịch cho thấy, ngay từ tháng 1 đầu năm nay, số người nước ngoài tìm thông tin về chuyến bay đến Việt Nam tăng 425% so với cùng kỳ năm ngoái. Công dân các nước Mỹ, Australia, Nga, Pháp, Đức, Nhật Bản, Ấn Độ, Anh, Canada có lượng tìm kiếm thông tin du lịch Việt Nam nhiều nhất. Đặc biệt, hiện nước ta là 1 trong 10 nước có tỷ lệ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cao nhất thế giới, đây là một trong những cơ sở để Việt Nam tự tin mở lại đường bay đến các nước và vùng lãnh thổ.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng cục Du lịch cho biết, một số quốc gia là đối thủ cạnh tranh trong khu vực đã mở cửa sớm hơn như Thái Lan, với chủ trương “Test and Go”, chỉ cần có xét nghiệm là có thể đi du lịch một cách tự do, mà không cần điều kiện ràng buộc gì. Hay tại Singapore đã mở các hành lang du lịch cho du khách trong nhiều tháng qua và  đón xấp xỉ 500 ngàn lượt khách quốc tế đến trong điều kiện thực hiện việc tiêm vắc xin cũng như xét nghiệm và không có thêm các ràng buộc gì thêm trong quá trình du lịch. Tiếp đến Philippines, Indonesia, cả Campuchia cũng đã tiến hành mở cửa du lịch. Cho nên, đây là thời điểm cần thiết để mở cửa du lịch quốc tế.

Theo các chuyên gia, Việt Nam đã thực hiện thí điểm đón khách quốc tế với điều kiện quá chặt chẽ, cộng với việc chưa thực hiện chính sách mở cửa lại visa, nên mới đón được lượng khách rất khiêm tốn là khoảng 9.000 khách. Với chủ trương của Chính phủ đã cho mở cửa hoàn toàn, thì từ bài học thí điểm phải rút ra kinh nghiệm và những gì là “nút thắt”, rào cản. Từ đó có giải pháp tháo gỡ, có phương án mở cửa an toàn, linh hoạt, tạo điều kiện thật sự thuận lợi cho các doanh nghiệp triển khai.

Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam nhìn nhận, mở cửa du lịch từ ngày 15/3 tới đây là vô cùng quan trọng, là tin vui nhất của toàn ngành du lịch trong 2 năm qua sau nhiều mong đợi, cố gắng, song vẫn còn ngổn ngang các vấn đề lo lắng. Trong đó, du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, gắn với nhiều ngành khác, với cộng đồng hơn 40 ngàn doanh nghiệp du lịch, hơn 1 triệu lao động trực tiếp và 2 triệu lao động gián tiếp, họ làm cho họ nhưng cũng là làm cho cả cộng đồng dân cư. Như vậy, một khi du lịch hồi phục thì các ngành xung quanh cũng hồi phục theo. Khi du lịch mở cửa được cũng là giải quyết cho tất cả các ngành kinh tế khác.

Giải pháp phải linh hoạt

Ông Vũ Thế Bình cho rằng, các vấn đề đặt ra hiện nay đối với ngành du lịch là làm gì cũng dễ mà cũng khó. Các chính sách hỗ trợ lúc này cần dễ hiểu, dễ thực hiện cho doanh nghiệp, du khách, tránh sự đánh đố. Đồng thời, các chính sách cũng cần tương đồng với các nước khác đặc biệt là những nước đang phát triển du lịch.

Hiện Việt Nam đã công nhận “hộ chiếu vắc xin”, giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, mới chỉ có 14 quốc gia công nhận hộ chiếu vắc xin của Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó trong việc đưa khách đi du lịch nước ngoài, chỉ khi cân bằng được cung - cầu của khách Inbound và Outbound thì mới giảm chi phí các chuyến bay, giảm giá tour của các công ty du lịch.

PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho rằng, khi mở cửa cần nới lỏng nhưng không buông lỏng. Nới lỏng toàn bộ nhưng phải có dự phòng đồng bộ. Riêng ngành du lịch, đánh giá, ngành du lịch có đặc điểm phức tạp vì liên quan tới nhiều nơi, nhiều tình huống, nhiều môi trường khác nhau (ngoài trời, phòng kín…). Đồng thời tiếp xúc nhiều nhóm người lạ khác nhau, liên quan tới nhiều ngành, nhiều đơn vị, nhiều địa phương.

Do đó, chính sách phòng bệnh đặc thù cũng cần áp dụng linh hoạt cho từng hoạt động. Các giải pháp phải đồng bộ, nếu mỗi địa phương làm một kiểu du khách không biết thực hiện như thế nào. Bên cạnh đó, khuyến khích du lịch khép kín, theo nhóm. Khẩu trang cần áp dụng tối đa có thể, khử khuẩn là quan trọng, khoảng cách tùy theo nhóm, theo đoàn, hạn chế tiếp xúc giữa các đoàn, các nhóm đồng thời khai báo y tế là vô cùng quan trọng để biết nguy cơ lây nhiễm ở đâu, giúp xử lý gọn.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên Huế đề nghị, Tổng cục Du lịch cần sớm đưa ra hướng dẫn cụ thể các doanh nghiệp lữ hành xử lý, hỗ trợ trường hợp khách quốc tế nhiễm bệnh khi đang du lịch. Chính sách cần thuận tiện và đồng bộ giữa các ban ngành và địa phương để du khách và các đơn vị lữ hành tâm đưa khách đến du lịch đến. Bên cạnh đó, cũng cần có hướng dẫn quy trình kèm theo tương tự cho nhân viên phục vụ (HDV, lái xe) đi cùng đoàn, bởi đây là nhóm đối tượng cần có sự hỗ trợ hoặc chế độ được thỏa thuận với đơn vị lữ hành hợp đồng tổ chức tour đó như thế nào.

Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trung Khánh nhấn mạnh, việc mở cửa là cấp thiết, để việc đón khách quốc tế hiệu quả thì việc mở cửa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của việc mở cửa; khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ; cho phép áp dụng lại chính sách thị thực với khách nhập cảnh như thời điểm năm 2019, để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến; ngành chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ, cơ sở vật chất của ngành và chuẩn bị kỹ về sản phẩm, các điều kiện khác để nâng cao năng lực cạnh tranh; tập trung quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường mục tiêu.

Bài, ảnh: Đức Quang