Trong số các đám tang, có đám ngoài thăm viếng, do là chỗ bà con thân thiết, gia đình lại hơi neo người nên tôi phải sắp xếp tới lui nhiều lần, nhất là những khi có các lễ cúng. Hôm trước khi đưa, các sư thầy về làm lễ cúng thí thực và đại lễ cầu siêu theo truyền thống nhà Phật. Do người nhà phải tập trung bái tế nên tôi và một số người khác chủ động xắn tay phụ giúp các lễ, việc gì làm được thì làm, chủ yếu là lăng xăng với những rót trà, chiết rượu, phóng sanh, hóa vàng mã…, mấy việc không xa lạ gì với người Huế. Rót trà hoặc rót rượu thì cứ lắng tai, khi nào nghe sư thầy xướng 2 chữ “tiến trà” hay “tiến tửu” thì lấy bình trà/rượu rót vào những chiếc tách cúng đã bày sẵn. Phóng sanh thì thường là sau lễ cúng thí thực, cứ mang xô cá, ốc… kèm 3 nén nhang ra ao hồ sông suối mà thả; còn hóa vàng thì đơn giản ai cũng biết rồi.
Sử dụng vàng mã đã thành thói quen từ lâu trong một bộ phận dân cư
Đám tang mà tôi đang kể ở cách sông Hương không xa nên khi phóng sanh cá, ốc được mang ra đó để thả. Tôi có nhiệm vụ chở, một người khác ngồi sau có trách nhiệm xách xô và cầm nhang. Chuyện đơn giản vì cũng đã làm nhiều lần, tuy nhiên, tôi và một người bà con khác vẫn trao đổi phân công nhau như thế trước khi lễ tất để vào việc được nhanh chóng. Thế nhưng, lúc lễ tất thì “kịch bản” hơi có sự thay đổi. Khi bàn giao xô cá phóng sanh, bên cạnh 3 nén nhang, một người đàn ông “phụ lễ” cho các sư thầy còn kèm theo cho chúng tôi một ôm lớn áo binh, vàng mã và yêu cầu khi phóng sanh cá xong thì phải rải mớ áo binh vàng mã này xuống sông. Tôi không đồng ý, bảo ai lại làm thế, ô nhiễm môi trường, người ta cười và phê cho. Người đàn ông có vẻ không hài lòng và làm vẻ mặt nghiêm trọng, nếu gia đình không tuân theo cho đúng lễ thì sẽ thế này thế nọ…. Đến lúc ấy, tôi buộc phải cự lại, dọa sẽ bị phạt ngay lập tức vì bây giờ Huế đã là đô thị văn minh, chỗ nào cũng có camera giám sát. Vàng mã thải xuống ao hồ sông suối sẽ bị phạt, rải xuống sông Hương còn bị phạt nặng hơn nữa. Và nếu phạt thì tôi sẽ chỉ đến ông đấy nhé. Thấy tôi vẻ quyết liệt và rất nghiêm túc, ông ta thối lui, vẻ hơi hậm hực, miễn cưỡng “cho phép” hóa (đốt) số vàng mã ấy tại nhà (!)
Đốt, rải vàng mã là tập tục lạc hậu và nhuốm màu sắc mê tín. Tuy nhiên, do đã “ăn” vào đời sống lâu đời, đã thành thói quen nên rất khó bỏ. Nhiều năm trở lại đây, nhờ được tuyên truyền, vận động khá mạnh mẽ và thường xuyên, việc đốt rải vàng mã đã phần nào được tiết giảm. Riêng tại Huế, nhất là ở khu vực đô thị, các gia đình khi đốt vàng mã hầu hết đều đốt vào thùng để hạn chế hỏa hoạn và ô nhiễm. Tình trạng rải vàng mã khi đưa tang cũng đã được hạn chế rất nhiều. Mặc dù vậy, thỉnh thoảng vẫn xuất hiện tình trạng vi phạm. Vàng mã vẫn lác đác xuất hiện trên một vài tuyến phố sau khi đám tang đi qua; riêng tình trạng vàng mã rải xuống sông hồ vào dịp “sóc vọng” hay các ngày “lễ cha, vía mẹ”… thì vẫn đang khá nhức nhối.
Để ngày càng giảm và đi đến chấm dứt nạn đốt, rải vàng mã bừa bãi, trong rất nhiều giải pháp thì theo chúng tôi, dứt khoác phải quan tâm đến 2 giải pháp có tính cốt lõi sau. Thứ nhất, là làm việc trực tiếp với các “nhà đòn”, các cá nhân hoặc nhóm người làm dịch vụ tâm linh, yêu cầu họ ký cam kết quá trình hành nghề phải tuyệt đối không vi phạm những quy định về đốt, rải vàng mã mà chính quyền đã ban hành. Thứ hai, tăng cường vận động giáo hội, các sư thầy quản lý, trú trì các cơ sở thờ tự của Phật giáo để họ tiếp tục ủng hộ và khuyên răn tín đồ phật tử cũng như các “gia đình hữu sự” tự giác chấp hành quy định đốt, rải vàng mã đúng nơi, đúng chỗ…. Thực hiện hiệu quả các giải pháp trên, việc sử dụng vàng mã trong sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh mới mong dần dà chuyển biến theo hướng văn minh, an toàn hơn; trước khi hy vọng tập tục này tiến đến tiết giảm mạnh mẽ hoặc triệt tiêu trong đời sống cộng đồng.
Bài, ảnh: Thượng Bích