Các phòng vé tại BX phía nam TP Huế vắng khách

Lý do là vì chi phí xăng, dầu chiếm tỷ lệ đáng kể trong cơ cấu giá thành vận tải. Trong khi đó, nhiều DN vận tải tại địa phương bắt đầu "rục rịch" đề xuất điều chỉnh cước vận tải trong thời gian tới.

Một DN vận tải ô tô tại TP. Huế cho biết, trong bối cảnh dịch chưa qua người dân còn e ngại đi lại mà vì lý do giá xăng, dầu tăng lại điều chỉnh cước phí thì lượng khách sẽ càng ít hơn. Tuy vậy, giá xăng dầu tăng phi mã như hiện nay buộc phải tính bài toán thị trường về điều chỉnh giá cước phí để duy trì hoạt động.

Ông Đoàn Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH MTV Mai Linh Huế, Chủ tịch Hiệp hội Taxi Thừa Thiên Huế cho biết, giá xăng dầu đồng loạt tăng giá vừa qua đã làm cho các phương tiện taxi trên địa bàn rơi vào thế khó. Trong bối cảnh phương tiện mới hoạt động trở lại khoảng 50% do ảnh hưởng COVID-19 phức tạp kéo dài, người dân vẫn còn e ngại đi lại bằng phương tiện công cộng thì chỉ cần nhích tăng giá thì lo lượng khách sẽ càng ít hơn. Nhưng xăng đã tăng 30 nghìn đồng/lít, hiện các DN taxi đang bàn thảo đề xuất tăng giá cước một cách hợp lý bởi mỗi lần điều chỉnh giá tăng, giảm phải làm các thủ tục đăng ký xin điều chỉnh, rồi phải lập trình lại rất phiền, phức tạp.

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng phòng quản lý Vận tải - Đăng kiểm, Sở Giao thông Vận tải cho biết, trong hoạt động vận tải, chi phí nhiên liệu chiếm hơn 40% tổng doanh thu. Việc xăng, dầu tăng chắc chắn sẽ kéo theo chi phí vận chuyển vật liệu tăng theo, gây khó khăn cho lĩnh vực vận tải. Gần đây giá xăng, dầu liên tiếp tăng nhưng chưa thấy đơn vị, DN nào đề xuất, kiến nghị để có căn cứ điều chỉnh giá cước phù hợp.

Theo ông Hồng, việc điều chỉnh tăng giá cước phí vận trong giai đoạn hiện nay chưa phải là giải pháp tốt nhưng không còn cách nào tối ưu hơn cho DN. Các bộ, ngành liên quan cần xem xét bình ổn giá xăng dầu để giúp lĩnh vực vận tải có thể "sống chung" với dịch COVID-19. 

Tin, ảnh: Minh Văn