Nhiều phụ nữ Saudi Arabia chọn nghề tài xế sau khi lệnh cấm được gỡ bỏ. Ảnh: Reuters/CAND

Ngoài giờ làm việc tại trung tâm chăm sóc sức khỏe, người phụ nữ 54 tuổi này trở thành “tài xế” từ một ứng dụng gọi xe dành riêng cho phụ nữ ở thủ đô Riyadh.

Fahd cho biết gia đình cô ủng hộ công việc thứ hai này, với hai điều kiện: Không nhận các chuyến đi xa và không nhận khách là nam giới.

“Tôi quyết định làm tài xế taxi để kiếm thêm thu nhập… Tiền lương của tôi không đủ để nuôi ba đứa con, và nhất là cho con gái tôi, người có nhu cầu đặc biệt”, cô Fahd, đội mũ trùm đầu đen và đeo khẩu trang ngừa COVID-19 chia sẻ.

Các cải cách xã hội sâu rộng, trong đó có việc dỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe, đã thay đổi cuộc sống của nhiều người Saudi Arabia, nhưng chi phí sinh hoạt gia tăng đang ngày càng trở thành một vấn đề lớn trong cuộc sống của người dân nước này.

Cô Fahd cho biết mức lương 4.000 riyals/tháng (tương đương 1.066 USD) của cô từ công việc chính không đủ để trang trải mọi chi phí, nhưng việc lái xe đã mang đến cho cô thêm 2.500 riyals thu nhập.

Với ưu điểm về thời gian làm việc linh hoạt của nghề tài xế taxi, cô thường nhận khách trước khi ca làm việc của mình bắt đầu lúc 2 giờ chiều, và đôi khi nhận chở khách trên đường về nhà lúc 10 giờ tối. “Công việc này cho phép tôi giúp người chồng đã nghỉ hưu của mình chi trả các hóa đơn hàng tháng và cho nhu cầu học hành của các con”, cô nói. 

Theo các nhà phân tích, việc lựa chọn nghề lái xe đã và đang đem lại cho phụ nữ Saudi Arabia nguồn thu nhập ổn định và sự độc lập hơn về tài chính.

“Cơ hội mới trong cuộc sống”

Chi phí sinh hoạt hiện đang tăng lên ở Saudi Arabia, quốc gia đang có xu hướng “xoay trục nền kinh tế”, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ. Quốc gia này cũng đã tăng thuế giá trị gia tăng lên 15% vào tháng 7/2020.

Đến tháng 12 năm ngoái, chi phí vận tải đã tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước đó, một phần do giá tiêu dùng tăng 1,2%.

Đồng thời, hàng triệu phụ nữ Saudi Arabia cũng đang nỗ lực tìm việc làm khi phụ nữ được chấp nhận đi làm trong xã hội vốn rất bảo thủ này.

Số liệu của chính phủ Saudi Arabia cho thấy phụ nữ chiếm hơn 1/3 lực lượng lao động nước này trong năm ngoái.

Phụ nữ Saudi Arabia giờ đây thường làm các công việc phục vụ khách hàng trong các nhà hàng, quán cà phê hay cửa hàng giày dép, đảm nhận các công việc mà trước đây thường thuộc về lao động nước ngoài khi chính phủ theo đuổi kế hoạch “Saudi hoá” cho nền kinh tế.

Theo truyền thống, phụ nữ Saudi Arabia bị cấm giao du với nam giới không phải là thành viên trong đại gia đình của họ.

Insaf, một bà mẹ ba con 30 tuổi cho biết cô đã chuyển sang công việc lái xe sau khi chồng cô đột ngột qua đời.

“Anh ấy không để lại tài sản gì cho chúng tôi, vì vậy tôi phải làm việc để nuôi con…Tôi đang sử dụng chiếc xe của người chồng quá cố để chở phụ nữ và trẻ em trong khu phố đến trường học hoặc trung tâm mua sắm. Có thể nói, công việc lái xe đã cho tôi một cơ hội mới trong cuộc sống”, Insaf nói.

Kể từ năm 2018, hơn 200.000 phụ nữ đã lấy được giấy phép lái xe, và doanh số bán ô tô đã tăng 5% trong năm ngoái, theo báo cáo của các phương tiện truyền thông.

Hành khách người Ai Cập Aya Diab, 29 tuổi, cho biết cô “thoải mái hơn khi giao dịch với phụ nữ”, và một khách hàng Saudi Arabia cũng bày tỏ cảm xúc tương tự với các nữ tài xế mới của quốc gia này.

Bảo Nghi (Lược dịch từ Reuters)