Tuần qua, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ cùng lãnh đạo các ban, ngành liên quan dành thời gian làm việc với một số địa phương về nhiệm vụ kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh. Mục tiêu cụ thể đặt ra là đến năm 2024, Thừa Thiên Huế phải giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 2,2% và đến cuối năm 2025 là 2%.

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện cả tỉnh còn 16.006 hộ nghèo và 12.803 hộ cận nghèo. Ba địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất là A Lưới, TP. Huế và Nam Đông.

Dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ, nhiều giải pháp nhưng huyện A Lưới hiện còn 17 xã nghèo, trong đó xã Đông Sơn có 404 hộ thì có đến 301 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 74,51%. Tại xã Hương Hữu - một trong 2 xã nghèo nhất huyện Nam Đông, trong số 765 hộ thì đến cuối năm 2021, toàn xã còn 208 hộ nghèo.

A Lưới và Nam Đông là hai huyện miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện dân trí thấp, tập quán canh tác lạc hậu. Đây là 2 trong các nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ xã nghèo cao. Nhưng với TP. Huế, tỷ lệ hộ nghèo cao là điều trăn trở.

Tại buổi làm việc với các địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra. Đây cũng là những nguyên nhân không mới, như trách nhiệm, chỉ đạo của lãnh đạo từng địa phương chưa sâu sát, quyết liệt; thiếu mô hình, cách làm thiết thực, hiệu quả, bền vững... Và một nguyên nhân lưu cữu đã được nói đến nhiều, cũng là sức ỳ, sự trì trệ dai dẳng, đó là tâm lý trông chờ, ỷ lại (vào các chính sách hỗ trợ) của người dân.

Mục tiêu kéo giảm hộ nghèo toàn tỉnh đến năm 2025 xuống còn 2% đang là nhiệm vụ, trọng trách cấp bách khi đây là một trong những tiêu chí để ThừaThiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Kết luận 48 của Bộ Chính trị. Một nhiệm vụ không dễ dàng khi cùng với xã Đông Sơn, huyện A Lưới có đến 11 xã phải giảm hộ nghèo xuống còn 25 - 30% từ nay đến năm 2025. Tương tự, nhiệm vụ đặt ra cho Nam Đông và TP. Huế cũng không hề nhỏ.

Một trong những giải pháp được định hướng trước mắt và lâu dài là cần quản lý hộ nghèo theo từng hộ gia đình. Phải nhận diện được từng hộ nghèo, từng nhân khẩu trong từng hộ nghèo để có giải pháp giảm nghèo cụ thể, thiết thực, bền vững. Chỉ khi tất cả hoàn cảnh từng người nghèo được lãnh đạo từng xã nắm, thuộc, thì mới có giải pháp căn cơ trong công tác lãnh, chỉ đạo, hỗ trợ người dân thoát nghèo bền vững. Phải xác định được ai, đối tượng nào cần học nghề, cần vốn, cần kỹ thuật; đối tượng nào thuộc diện già cả neo đơn, thiếu sức khỏe...để từ đó có giải pháp trước mắt, giải pháp lâu dài, để việc giảm hộ nghèo không chung chung, phải thực chất và bền vững.

Như chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ tại buổi làm việc với lãnh đạo huyện A Lưới ngày 11/3 vừa qua. Phải xác định nhiệm vụ giảm nghèo là một trong những trọng trách của cấp ủy, chính quyền từng địa phương, người đứng đầu. Muốn thay đổi nhận thức của người dân, muốn giảm nghèo trong từng hộ gia đình một cách bền vững, trước hết phải nâng cao nhận thức từ cán bộ, đảng viên, kể cả khắc phục tâm lý trông chờ, ỷ lại.

NHẬT NGUYÊN