Thanh Hà là một trong 9 thôn của xã Quảng Thành (Quảng Điền) có 372 hộ gia đình và hơn 1.600 nhân khẩu. Cũng như bao làng quê ở Quảng Điền, việc học hành cho con dân thôn luôn được trọng vọng. Người có học được đề cao trong các kỳ hội làng; gia phổ, tộc phổ đều cẩn thận ghi danh các bậc tiền nhân học hành thành đạt, tham gia quan trường liêm chính để cho con cháu hậu thế noi theo.

Ngay từ năm 2001, Thanh Hà là thôn đầu tiên của xã Quảng Thành ra mắt chi hội khuyến học. Qua nhiều năm hoạt động, chi hội luôn nhận được sự khích lệ của các cấp, các ngành và của bà con trong thôn, duy trì hoạt động có hiệu quả thiết thực, phong trào khuyến học ngày mỗi phát triển. Hiện tại, thôn Thanh Hà có 6/6 dòng họ đã ra mắt Ban Khuyến học và hoạt động khuyến học, khuyến tài duy trì nề nếp.

Theo Trưởng thôn Phan Đình Toan, được xã Quảng Thành chọn làm thí điểm vào năm 2021, thôn Thanh Hà tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người nhận thức tầm quan trọng của việc xây dựng triển khai mô hình công dân học tập, nhất là trong giai đoạn công nghệ 4.0 đang thực sự diễn ra mạnh mẽ, đa lĩnh vực, đa phương tiện... Các dòng họ và công dân được chọn đều đã cấp tài liệu và tiến hành đăng ký tự nguyện.

Việc lựa chọn các công dân học tập được thôn công khai và có sự góp ý của các thành viên trong ban, có hội đủ điều kiện để phấn đấu đạt danh hiệu công dân học tập. Không chạy theo số lượng, không mang tính hình thức, đối phó; tập trung vào đánh giá thực chất, người thật việc thật để phong trào tác động sâu sắc vào trong đời sống Nhân dân, duy trì và phát triển phong trào bền vững.

Thôn đã cử 20 học viên tham gia tại huyện; trong đó, 5 thành viên là ban tổ chức triển khai mô hình, 4 trưởng ban khuyến học dòng họ, 11 gia đình hạt nhân trong đăng ký công dân học tập và tuyên truyền viên trong cộng đồng. Việc kiểm tra đánh giá được theo dõi thường xuyên, qua hội họp, việc làng để cùng trao đổi nhất là các tiêu chí khung để cho bà con nắm, thực hiện. Đội ngũ cán bộ trong thôn đều nhận thức tầm quan trọng và hiệu quả của mô hình đem lại. Đây cũng là đối tượng chủ chốt trong triển khai mô hình.

Qua vận động, toàn thôn Thanh Hà có 33 người tham gia đăng ký thí điểm mô hình bầu chọn “Công dân học tập”, bao gồm cán bộ cốt cán (7), đại diện ban khuyến học (8), người lao động là thành viên gia đình học tập (16), thành viên gia đình trong họ Nguyễn (12). Kết quả, có 31 người được bầu chọn, đạt tỷ lệ 93,9%.

Khảo sát tác động của việc xây dựng mô hình “Công dân học tập” với việc phát huy công tác khuyến học khuyến tài cho thấy, đã tạo được những nhân tố tích cực trong việc duy trì các hoạt động của “Cộng đồng học tập”. Tiếp tục tạo sức lan tỏa và trở thành phong trào thi đua trong toàn thôn, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi mà các hoạt động sản xuất, thực hiện các mô hình sản xuất như sản xuất sạch, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Quảng bá thương hiệu, học tập các kỹ thuật sản xuất tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và thu mua chế biến nông sản, trong chăn nuôi, trong buôn bán trao đổi hàng hóa...

Từ thực tế ở thôn Thanh Hà, đề nghị các cấp quan tâm nhiều hơn trong công tác hỗ trợ giúp đỡ cho các thôn, nhân rộng các cách làm hay để cùng học tập, trao đổi kinh nghiệm để cho việc triển khai mô hình có sức lan tỏa và trở thành một trong những phong trào thi đua giữa các địa phương, từng đơn vị... Phát huy  hiệu quả từ các mô hình điểm, cần sớm nhân rộng mô hình, ở các địa phương cùng có trách nhiệm, xem đây là một trong những tiêu chí thi đua, công nhận các danh hiệu khác thì khi đó việc nhân rộng mô hình mới có sức lan tỏa và gặt hái những kết quả tốt đẹp.

An Nhiên