Dự án Thuận An đang triển khai thi công đạt gần 90% khối lượng công việc

Đảm bảo tiến độ

Từ nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh đang triển khai DA xây dựng, nâng cấp cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá ở các địa phương TP. Huế, Phú Vang, Phú Lộc.

DA được thực hiện từ năm 2019, với tổng mức đầu tư 400 tỷ đồng, gồm có 3 DA thành phần: DA cảng cá Thuận An kết hợp khu neo đậu tránh, trú bão (DA Thuận An); DA nâng cấp khu neo đậu tránh, trú bão Phú Hải (DA Phú Hải) và DA cảng cá Tư Hiền kết hợp với khu neo đậu tránh, trú bão (DA Tư Hiền).

Theo Sở NN&PTNT hiện nay, ngoài DA Tư Hiền mới triển khai thi công từ đầu năm 2022, tiến độ của các DA khác đạt từ 70-90% khối lượng. Cụ thể, đối với DA Thuận An có tổng mức đầu tư 220 tỷ đồng, giá trị thực hiện đến nay 170 tỷ đồng, đạt 87%, giá trị giải ngân hơn 181 tỷ đồng. DA đang thi công hạng mục đổ bê tông tuyến đê chắn sóng và mũi thuyền, khối lượng đạt 41% (chiều dài thi công 215m/526m); thi công phần mặt đường, lắp đặt hố ga và hệ thống thoát nước, lề bộ hành khối lượng đạt khoảng 94%...

Đối với DA Phú Hải với tổng mức đầu tư 32 tỷ đồng, giá trị thực hiện 20,9 tỷ đồng, đạt 77%, giá trị giải ngân gần 24 tỷ đồng. DA đã triển khai thi công hoàn thành cọc bê tông tuyến đê, đang hút vật chất nạo vét và thi công đê chắn sóng đạt 27,3m/71,3m. Các hạng mục còn lại của các DA này sẽ hoàn thành trước 30/6/2022.

Riêng đối với DA Tư Hiền với tổng mức đầu tư 148 tỷ đồng, giá trị thực hiện đến nay khoảng 10 tỷ đồng, giá trị giải ngân 69,5 tỷ đồng. Công tác nạo vét đã thực hiện được đạt khoảng 20%, toàn bộ khối lượng nạo vét tập kết tại bãi tạm sát khu vực tiếp nhận (chiều dài nạo vét khoảng 750m đoạn từ cửa biển vào), dự kiến hoàn thành trước 30/9/2022.

Xử lý dứt điểm

Ông Thái Văn Phúc, Trưởng phòng Quản lý và Xây dựng công trình, Sở NN&PTNT thông tin, đối với tiến độ các DA thành phần, UBND tỉnh yêu cầu chủ đầu tư có báo cáo hàng tháng nhằm cập nhật tiến độ thi công và kịp thời tháo gỡ các vướng mắc hoàn thành trong năm 2022.

 Dự án Tư Hiền đang triển khai thi công

Khó khăn hiện nay là ở khâu GPMB, vướng nò sáo, bãi thải vật chất nạo vét. Cụ thể, hiện tại trong phạm vi công trình ở Thuận An còn một hồ tôm chưa được đền bù, GPMB làm ảnh hưởng đến việc hoàn thiện toàn bộ DA.

Hạng mục đê chắn sóng do mực nước triều cao nên chưa thể thi công phần bê tông tuyến đê. Hệ thống tường rào đi qua khu vực hồ tôm cũng chưa được GPMB nên chưa thể thi công được.

Sau thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, một số nhà thầu ở khu vực phía bắc bị ảnh hưởng nặng của dịch COVID-19 nên đến nay vẫn chưa tổ chức thi công trở lại. Sở NN&PTNT đã yêu cầu các đơn vị khắc phục khó khăn, khẩn trương triển khai thi công các phần công việc sớm hoàn thành công trình.

Đặc biệt, đối với công trình ở Tư Hiền, Phú Hải do chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19, nên việc huy động máy móc, thiết bị của nhà thầu nạo vét chậm nên đến nay hạng mục nạo vét vẫn chưa hoàn thành, hạng mục đê chắn sóng đến nay mới tiếp tục triển khai thi công phần bê tông tuyến đê. Hiện tại, trong phạm vi tuyến luồng nạo vét còn vướng mắc nhiều lồng cá, đáy, nò sáo,... của người dân đánh bắt, nuôi trồng thủy sản nên làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình nạo vét.

Bãi tiếp nhận vật chất nạo vét (ở đoạn đầu hói Tư Dung) đã được UBND tỉnh thống nhất tại Công văn số 8811/UBND-XD ngày 24/9/2021. Tuy nhiên, khi triển khai thi công người dân ngăn chặn không cho tập kết vật tư, vật liệu, máy móc để thi công. Để xử lý những khó khăn, vướng mắc, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý DA và các nhà thầu đã làm việc với UBND huyện Phú Lộc, UBND xã Lộc Bình, xã Vinh Hiền để giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa thống nhất do các hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng không thống nhất về việc đưa vật chất nạo vét vào lấp đoạn hói Tư Dung.

Người dân cho rằng, đây là nơi sinh sản của cá tôm, là nguồn sinh sống của bà con trong khu vực, yêu cầu phải được hỗ trợ thỏa đáng và phải đảm bảo môi trường. Do đó, để có cơ sở xem xét hỗ trợ, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo Ban Quản lý DA làm việc với đơn vị tư vấn là Trung tâm Kỹ thuật - Công nghệ thông tin TN&MT để đo vẽ thực địa phạm vi mặt bằng bị ảnh hưởng, hiện nay đang hoàn thiện hồ sơ địa chính.

“Để triển khai toàn bộ các hạng mục, Sở NN&PTNT đề nghị UBND huyện Phú Lộc và các đơn vị liên quan xử lý việc tháo dỡ đáy, lưới, nò sáo... nằm trong khu vực nạo vét tuyến luồng và bãi tiếp nhận vật chất nạo vét để đảm bảo tiến độ thực hiện DA”, ông Thái Văn Phúc cho biết.

Tái tạo rạn san hô, phục hồi môi trường

Song song với DA xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng nghề cá, từ nguồn vốn nguồn vốn bồi thường của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, trên địa bàn tỉnh cũng đang triển khai DA phục hồi, tái tạo hệ sinh thái thủy sinh và nguồn lợi thủy sản. DA có 2 hợp phần thả rạn nhân tạo khoảng 3km2 và phục hồi, tái tạo rạn san hô khoảng 4-6ha với tổng mức đầu tư 170 tỷ đồng. Hiện đã hoàn thành khảo sát địa hình, địa chất và lập báo cáo nghiên cứu khả thi trình thẩm định và phê duyệt DA.

Bài, ảnh: Hà Nguyên