Làn điệu dân ca dân nhạc tại lễ hội Aza ở A Lưới. Ảnh tư liệu
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021 - 2030” của UBND tỉnh, đối tượng thực hiện sẽ là đồng bào các dân tộc thiểu số, các nghệ nhân người dân tộc thiểu số; các câu lạc bộ văn hóa, đội văn nghệ vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn....
Thực hiện đề án không chỉ phát huy nhận thức và lòng tự hào của người dân trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc mà còn khai thác tốt các loại hình du lịch đặc trưng, phù hợp với đặc điểm văn hóa cộng đồng, mở rộng ngành kinh tế phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Dự kiến, giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch sẽ tiến hành khảo sát, kiểm kê và lập danh mục loại hình di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số. Xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách cho các nghệ nhân, người tổ chức thực hành, trao truyền, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc thiểu số… Từ 2026 - 2030 triển khai lập danh mục loại hình di sản văn hóa phi vật thể dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống của các dân tộc thiểu số, tiến tới phổ biến, quảng bá, giới thiệu giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch. Đặc biệt sẽ ứng dụng công nghệ số trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị dân ca, dân vũ, dân nhạc của đồng bào dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch.
Tin, ảnh: Lê Thọ