Du khách tham quan, nghỉ dưỡng tại Laguna. Ảnh: MC
Thu hút nhà đầu tư chiến lược, tập đoàn lớn
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình triển khai các dự án FDI trên địa bàn có xu hướng giảm. Trong năm 2021, dù không xúc tiến thu hút nhiều dự án FDI mới như kỳ vọng nhưng thông qua các hoạt động kết nối đầu tư, Thừa Thiên Huế vẫn có được những dự án lớn.
Ký kết thỏa thuận hợp tác vào cuối tháng 11/2021, sau chưa đầy 2 tháng, những ngày đầu năm 2022, dự án Trung tâm Thương mại EON Mall của Nhật Bản đã được triển khai sôi động với hoạt động khoan địa chất khảo sát để triển khai xây dựng các hạng mục đầu tiên tại Khu đô thị mới An Vân Dương.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương đã có chuyến công tác tại Nhật Bản cùng Thủ tướng Chính phủ chia sẻ, tỉnh rất phấn khởi khi ký kết thỏa thuận hợp tác đầu tư với các đối tác Nhật Bản; trong đó có dự án Trung tâm thương mại EON Mall. Đây là một tín hiệu tốt nhằm tăng cường sự hợp tác giữa 2 bên để đầu tư một khu trung tâm thương mại lớn tại Huế mang thương hiệu, tiêu chuẩn Nhật Bản.
Thừa Thiên Huế đã và đang trở thành điểm đến của nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới trong nhiều lĩnh vực khác nhau, như: Tập đoàn Banyan tree (Singapore), Tập đoàn Bia Carlsberg (Đan Mạch), Công ty HBI (Hoa Kỳ), Công ty Scavi (Pháp), Công ty China Everbright International Limited (Trung Quốc), Tập đoàn Caribbean Cruise (Hoa Kỳ), Luks HongKong, Công ty CP (Thái Lan), Tập đoàn SBH (Tây Ban Nha)… với những sản phẩm mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần nâng cao vị thế của tỉnh Thừa Thiên Huế trong nước và quốc tế.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, ông Nguyễn Đại Vui đánh giá, những năm trở lại đây, Thừa Thiên Huế đã vươn lên là một trong 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI với nhiều dự án hàng tỷ đô la Mỹ. Các doanh nghiệp FDI đang hoạt động trong các lĩnh vực, ngành nghề khác nhau đã tạo điều kiện thuận lợi, môi trường hấp dẫn để kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài khác vào tỉnh Thừa Thiên Huế, đặc biệt là các nhà đầu tư từ các nước tiềm năng như: Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Pháp và một số nước mới phát triển ở Đông Á.
Nhờ năng lực chống chọi, nền tảng vững chắc, các doanh nghiệp FDI đã xử lý tương đối tốt các tình huống và duy trì đầu tư vào Thừa Thiên Huế.
Ông Tetsuya Marooka, Công ty TNHH Nakamoto Packs Việt Nam cho biết, với sự hỗ trợ từ chính quyền, chúng tôi đã tham gia đầu tư dự án tại khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và hy vọng sẽ hoạt động sản xuất tại đây an toàn, hiệu quả để có thể mở rộng thêm các dự án của mình nhằm đóng góp cho sự phát triển của Thừa Thiên Huế.
Ông Trần Văn Mỹ, Tổng giám đốc Công ty TNHH Scavi Huế chia sẻ, chúng tôi đã ký kết đơn hàng hết năm 2022 và đang triển khai kế hoạch sản suất năm 2023 tương thích, đồng thời triển khai mở rộng nhiều nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu kế hoạch mở rộng trong trạng thái bình thường mới.
Thêm nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội
Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng gặp nhiều khó khăn bởi tác động của đại dịch COVID-19, Thừa Thiên Huế quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép” vừa đảm bảo phòng, chống dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế, tỉnh tiếp tục tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ, rà soát thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng cho các dự án đã được cấp phép; hỗ trợ nhà đầu tư triển khai giải ngân để đẩy mạnh tiến độ thực hiện dự án, ổn định thị trường đầu tư tại chỗ, sớm khởi công các dự án.
Nhiều doanh nghiệp FDI tin tưởng đầu tư vào Thừa Thiên Huế
Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế - công nghiệp tỉnh, ông Lê Văn Tuệ cho biết, đơn vị sẽ tập trung đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp, kêu gọi những nhà đầu tư thứ cấp nhằm tăng nguồn thu cho tỉnh thời gian đến. Hiện, tỉnh đang đẩy mạnh kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước trên tất cả các lĩnh vực; sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông nghiệp; du lịch, dịch vụ du lịch, bất động sản; hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu phi thuế quan; công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo, công nghiệp lắp ráp; kêu gọi đầu tư cho các ngành có ý nghĩa về an sinh xã hội, giáo dục đào tạo; công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may và các ngành công nghiệp phụ trợ khác.
Tỉnh đang tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ các bất cập, vướng mắc về vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng; đồng thời tạo sự gắn kết hơn nữa giữa chính quyền và doanh nghiệp FDI trên địa bàn. Điều này nhằm giúp các doanh nghiệp có nhiều góc nhìn về tiềm năng phát triển tại địa phương, qua đó cùng hợp tác tạo nên môi trường kinh doanh lành mạnh và phát triển.
“Quan điểm xúc tiến đầu tư của tỉnh là đồng hành với nhà đầu tư để cùng cống hiến, xây dựng Thừa Thiên Huế. Tỉnh cam kết luôn đồng hành, hỗ trợ tối đa cho nhà đầu tư khi đến Huế với niềm tin xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành điểm thu hút đầu tư hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước, với sự hỗ trợ của các cấp, các ngành” - Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương chia sẻ.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, các dự án FDI tại Thừa Thiên Huế thời gian qua đã thu hút vốn lớn, công nghệ và quản lý hiện đại, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 112 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư gần 4 tỷ đô la Mỹ. Năm 2021, vốn FDI thực hiện cả năm ước 1.736 tỷ đồng, đạt 69,4% kế hoạch, bằng 144,7% so với thực hiện năm 2020.
Bài, ảnh: Thái Bình