Lắp chỉ để đối phó

Theo quy định, từ ngày 1/7/2013, tất cả xe khách kinh doanh tuyến cố định liên tỉnh không lắp đặt thiết bị GPS sẽ bị lực lượng chức năng xử phạt. Bên cạnh đó, Nghị định 171/NĐ-CP cũng nêu rõ quy định xử phạt vi phạm qua thiết bị hộp đen.

Ngay từ khi Bộ Giao thông Vận tải chưa có quy định bắt buộc, một số doanh nghiệp vận tải (DNVT) có trách nhiệm đã tự lắp hộp đen để quản lý tài sản, lái xe. Tuy nhiên, cũng có không ít DNVT lắp đặt chỉ để đối phó cơ quan chức năng, việc hậu kiểm, quản lý từ phía cơ quan Nhà nước chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Thậm chí, khi xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan đến xe khách, cơ quan chức năng mới phát hiện, xe chạy sai luồng, tuyến nhưng đơn vị quản lý không hề hay biết.


Lắp thiết bị GPS góp phần giúp tài xế, phụ xe luôn cẩn thận trên các tuyến đường.

Điển hình là vụ tại nạn giao thông thảm khốc xảy ra ở Bát Xát, Lào Cai vào đầu tháng 9/2014 làm 14 người chết, 35 người bị thương. Chiếc xe khách bị tai nạn của nhà xe Sao Việt chỉ được cấp phép chạy Mỹ Đình - TP Lào Cai nhưng đã chở khách lên thẳng Sa Pa. Chiếc xe này có lắp đặt thiết bị GPS, nhưng chỉ khi vụ tai nạn thảm khốc xảy ra, cơ quan quản lý mới biết xe này đã chạy sai lộ trình.

Ông Đỗ Trọng Tuấn, Giám đốc Công ty CP Vận tải ô tô &Dịch vụ tổng hợp Thừa Thiên Huế cho biết, đơn vị có tất cả 9 xe khách thì cả 9 xe đều lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì, xe đang chạy, thiết bị vẫn hoạt động nhưng lại không truyền đến máy chủ. Vì thế, mới đây hai xe chạy tuyến Huế - Đà Nẵng bị Sở Giao thông Vận tải thu hồi phù hiệu và đình chỉ hoạt động trong 10 ngày.

Nâng cao chất lượng GPS

Nêu ra một số hạn chế của thiết bị GPS, ông Trần Sĩ Cuộc, Chủ nhiệm HTX Ô tô Huế đề nghị phải nâng cao chất lượng của thiết bị GPS cũng như chất lượng, độ tin cậy của dữ liệu. HTX Ô tô Huế có 105 xe khách chạy tuyến cố định Huế đi Thanh Hóa, Quảng Bình, Vinh, Đắk Lắk, Đắk Nông..., để đảm bảo an toàn trên tuyến đơn vị đều lắp đặt thiết bị GPS trên các phương tiện. Tuy nhiên, do lỗi về định vị hoạt động, mạng không kết nối đến Tổng cục Đường bộ, nhà cung cấp mà chỉ đến HTX.

Vừa qua, HTX Ô tô Huế có hơn 10 phương tiện bị phạt do thiết bị GPS không truyền dữ liệu đến Tổng cục Đường bộ đã bị Sở Giao thông Vận tải thu hồi phù hiệu với lý do thiết bị GPS không hoạt động. Để thiết bị GPS phát huy hiệu quả, mong cơ quan chức năng có ý kiến với nhà cung cấp mạng quản lý thiết bị tốt hơn, ông Cuộc bày tỏ.

Từ đầu năm đến nay, Phòng Quản lý vận tải và phương tiện phát hiện hơn 30 lượt phương tiện không lắp đặt thiết bị GPS hoặc có lắp đặt nhưng không hoạt động, không đúng quy chuẩn. Sở Giao thông Vận tải đã thu hồi 18 phù hiệu, không cấp sổ nhật trình và đình chỉ hoạt động đối với 30 lượt phương tiện.

Theo quy định, thiết bị GPS phải truyền dữ liệu vào Tổng cục Đường bộ, thế nhưng nhiều thiết bị của một số phương tiện chỉ truyền dữ liệu đến doanh nghiệp quản lý. Trong khi phần lớn các DNVT chỉ chú trọng đến kinh doanh mà quên nâng cấp, cải tạo thường xuyên thiết bị GPS. Nên khi mới đưa vào sử dụng một thời gian ngắn, nhiều thiết bị xuống cấp, còn các doanh nghiệp thì bỏ mặc.

Ông Phạm Quang Hồng, Trưởng Phòng Quản lý Vận tải và Phương tiện cho biết: “Việc bắt buộc các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách và hàng hóa bằng xe ô tô phải lắp đặt thiết bị GPS là cần thiết. Tuy nhiên, do hạ tầng thông tin chưa tốt nên phải vừa làm vừa điều chỉnh cho phù hợp. Ngoài ra, dù đã có chế tài xử phạt hành vi vi phạm an toàn thông qua GPS nhưng chưa chặt chẽ nên chưa có tính răn đe đối với người vi phạm”.

Nguyên nhân chính dẫn đến việc các DNVT lắp đặt thiết bị GPS để đối phó là do chủ doanh nghiệp đó chưa thực sự nhận thức được vai trò cũng như chưa hiểu về cách thức quản lý của hệ thống GPS. Họ băn khoăn về chi phí trang bị máy chủ, máy tính để kiểm tra thông tin của phương tiện… mà quên rằng, thiết bị GPS quản lý được tài sản và có vai trò rất lớn trong việc giúp tài xế, phụ xe luôn cẩn thận trên các tuyến đường.

Bài, ảnh: Thanh Thuận