Toàn nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng. Hầu bao của người dân cũng bị ảnh hưởng vì xăng dầu tăng không trực tiếp thì cũng gián tiếp ảnh hưởng tới giá các mặt hàng tiêu dùng. Đối với người giàu, việc các mặt hàng tăng giá có thể làm cho họ không quá quan tâm, nhưng đối với những người làm công ăn lương, người chạy chợ… sẽ thấy sức mua của họ dần nhỏ lại. Một tô bún bình dân trước đây 25.000 đồng. Không tăng giá được thì người bán sẽ thu nhỏ miếng thịt lại hơn, tức là chất lượng tô bún sẽ thấp hơn trong điều kiện không thể tăng được giá. Còn muốn giữ chất lượng như trước, không còn cách nào khác hơn là phải tăng giá. Mọi loại hàng hóa và dịch vụ đều đi theo xu hướng như vậy cả.

Chúng ta đợi xem việc tăng giá xăng dầu, tăng giá gas sẽ tác động lên mặt bằng giá các loại hàng hóa và dịch vụ như thế nào; những can thiệp của Chính phủ trong việc bình ổn giá, hoặc kiềm lại việc tăng giá ra sao... nhưng người tiêu dùng cần chủ động “cứu mình” trong điều kiện tăng giá. Việc cần làm đầu tiên là xem xét lại tình hình tài chính của gia đình để điều chỉnh mức chi tiêu cho phù hợp. Xem xét lại thật kỹ lưỡng những nhu cầu tiêu dùng của gia đình. Cái gì là cần thiết trước mắt, hàng ngày và cái gì có thể trì hoãn được để chờ sự ổn định giá cả. Lên một danh mục những nhu cầu ưu tiên trong chi tiêu tài chính gia đình là cần thiết trong lúc này. Không chỉ có gia đình mà đối với doanh nghiệp; cơ quan, công sở, chi tiêu ngân sách Nhà nước cũng cần xem xét và đặt nó trong điều kiện giá cả có những biến động. Ví dụ như ít sử dụng xe công hơn. Những gia đình có ô tô thì hạn chế đi ô tô chuyển sang sử dụng nhiều hơn xe máy, xe đạp… Nói chung, ý thức tiết kiệm là thượng sách trong tình hình hiện nay.

Đối với Nhà nước, nếu tình hình giá xăng dầu tăng cao và đứng ở mức cao trong thời gian dài, không trước thì sau nó cũng sẽ tác động lên giá. Người ảnh hưởng đầu tiên cảm nhận rõ nhất, như đã nêu, đó là người làm công ăn lương, người nghèo, các đối tượng chính sách… Nhà nước cần nghĩ đến, chuẩn bị và có thể kích hoạt những chính sách an sinh xã hội phù hợp. Hai năm vừa rồi Chính phủ “trằn mình” chống dịch, mức độ tích lũy ngân sách cũng có những khó khăn nhất định. Sau dịch thì thực hiện các gói phục hồi và kích thích phát triển kinh tế. Giờ lại đối phó với việc tăng giá để ổn định tình hình kinh tế - xã hội và đời sống của người dân, quả là những việc nặng nề. Nhưng các chính sách an sinh xã hội trong những tình huống như thế này đòi hỏi cần thiết thực hiện hơn bao giờ hết.

Việc kêu gọi sự hỗ trợ, tương trợ nhau trong cộng đồng; kích hoạt các nguồn quỹ hỗ trợ trong doanh nghiệp, trong các tổ chức cũng là điều cần thiết. Chúng ta chưa biết mức độ tác động của giá đến tình hình an sinh xã hội như thế nào. Nhưng nếu nó tác động mạnh và kéo dài thì bất cứ một sự hỗ trợ nào để đảm bảo an sinh xã hội, nhất là những đối tượng yếu thế đều là điều cần thiết.

NGUYÊN LÊ