Học sinh A Lưới trong giờ học tiếng Việt
Môi trường giao tiếp tiếng Việt
Nằm ở vùng định canh và định cư, Trường tiểu học Thượng Quảng (Nam Đông) có học sinh đều là người dân tộc Cơ Tu. Đa số các em có thói quen nói tiếng mẹ đẻ. Môi trường giao tiếp tiếng Việt còn hạn chế, vì ở gia đình và cộng đồng nơi các em sinh sống đa phần chỉ giao tiếp bằng tiếng dân tộc, ít sử dụng tiếng Việt.
Thực hiện đề án, nhà trường đặc biệt chú ý tạo ra môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt. Thầy giáo Hiệu trưởng Phạm Văn Tiến chia sẻ, qua các buổi hội họp, bảng tuyên truyền, loa phóng thanh của các xóm, trên website và ở cả mọi lúc và mọi nơi, nhà trường tập trung tuyên truyền sự cần thiết của việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc ít người. Nhà trường cũng bổ sung, thay thế, trang cấp thiết bị dạy học, đồ dùng, học liệu, phần mềm dạy học tiếng Việt phù hợp cho các lớp, điểm trường; tăng cường các hoạt động học tập trải nghiệm, sáng tạo cho học sinh dân tộc thiểu số.
Xã Bình Tiến, sáp nhập từ Bình Điền và Hồng Tiến, có đến 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, gồm: Cơ Tu, Vân Kiều, Tà Ôi, Pa-Hy, Pa Cô, Thổ và Kinh. Năm học 2021-2022, Trường tiểu học Hồng Tiến có đến 106 học sinh dân thiểu số, là một trong những điểm sáng của tỉnh trong thực hiện đề án tăng cường giao tiếp bằng tiếng Việt. Nhà trường phối hợp tạo môi trường giao tiếp bằng tiếng Việt ngay trong gia đình, tuyên truyền vận động các bậc cha mẹ thường xuyên nói chuyện, kể chuyện, giao tiếp, phát âm chữ cái bằng tiếng Việt tại nhà. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng nơi trẻ sinh sống tích cực nói tiếng Việt để hình thành ở trẻ thói quen sử dụng tiếng Việt.
Huy động nhiều nguồn lực
Ngày 26/4/2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định 840/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025. Bắt đầu từ năm học 2018 - 2019, đề án đã được ngành giáo dục địa phương được triển khai tại 5 đơn vị huyện, thị xã: A Lưới, Nam Đông, Hương Trà, Phú Lộc, Phong Điền có học sinh dân tộc thiểu số.
Ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, sở chỉ đạo đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến sâu rộng mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của đề án; tăng cường học liệu, trang thiết bị dạy học, đồ dùng, đồ chơi; xây dựng môi trường tiếng Việt cho học sinh; nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục của các trường tiểu học có trẻ em người dân tộc thiểu số; đẩy mạnh tổ chức các hoạt động giáo dục về tăng cường tiếng Việt cho học sinh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa với các giải pháp nhằm huy động sự tham gia đóng góp nguồn lực để hỗ trợ tăng cường tiếng Việt cho trẻ em người dân tộc thiểu số.
Tại Hương Trà, Phòng Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo Trường tiểu học Hồng Tiến (Bình Tiến), Bình Thành thực hiện triển khai tập huấn và thực hiện việc tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc. Sau khi được tham gia tập huấn, lãnh đạo các trường, tổ trưởng chuyên môn và một số giáo viên cốt cán xây dựng nội dung bài giảng, thực hiện lồng ghép việc tăng cường tiếng Việt vào các môn học và hoạt động giáo dục. Các trường quan tâm, đầu tư nguồn tài liệu, học liệu cho giáo viên và trẻ; tăng cường việc sử dụng đồ dùng trực quan thông qua những vật thật, tranh ảnh, băng hình, phim, video.... ; sử dụng hiệu quả phương tiện hỗ trợ các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết nhằm đảm bảo chất lượng về các kỹ năng này bền vững. Giáo viên rèn ngôn ngữ tiếng Việt cho trẻ ở mọi lúc mọi nơi trong hoạt động tự nhiên.
Đã có nhiều trái ngọt
Những năm qua, các trường ở Nam Đông không có học sinh tiểu học bỏ học. Tỷ lệ học sinh đi học chuyên cần, đặc biệt vào buổi 2 ngày càng cao nên công tác phổ cập giáo dục tiểu học ở các xã định canh định cư đạt mức độ 3 trong nhiều năm. Ông Lại Quốc Trình, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nam Đông cho biết, học sinh 6 tuổi dân tộc thiểu số vào học lớp 1 trên địa bàn huyện hầu hết đều biết tiếng Việt, giao tiếp được với những mẫu câu đơn giản, thường xuyên, hằng ngày. Lên lớp hiểu các lệnh của giáo viên, nội dung bài học và các yêu cầu học tập khác. Học sinh có nhiều kỹ năng, thói quen giao tiếp bằng tiếng Việt mọi lúc mọi nơi và khi cần thiết.
Kết quả khảo sát ở Hương Trà cũng cho thấy, qua hơn 3 năm chỉ đạo cho giáo viên Trường tiểu học Hồng Tiến và Bình Thành đổi mới phương pháp dạy học, áp dụng những giải pháp nêu tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, giảm thiểu số lượng học sinh lưu ban, bỏ học. Nhiều giáo viên thấy được hiệu quả của việc tăng cường tiếng Việt trong quá trình nâng cao chất lượng giáo dục đã hưởng ứng nhiệt tình và đang tìm thêm những giải pháp mới có hiệu quả để áp dụng vào giảng dạy. Nhiều gia đình cũng đã có ý thức sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp hàng ngày với trẻ nên đã có nhiều em có được vốn tiếng Việt tương đối khi vào lớp 1, chất lượng học sinh môn tiếng Việt khá tốt.
Phát biểu tại Hội nghị sơ kết đánh giá 3 năm thực hiện đề án tăng cường tiếng Việt, ông Đặng Phước Mỹ, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu lãnh đạo các phòng giáo dục, cán bộ quản lý - giáo viên các trường tập trung tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học người dân tộc thiểu số, bảo đảm các em có kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để học tập, lĩnh hội tri thức của các cấp học tiếp theo; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và phát triển bền vững các dân tộc thiểu số, đóng góp vào sự tiến bộ, phát triển của đất nước.
Bài, ảnh: Đan Duy