Châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đóng góp lớn nhất vào doanh thu thanh toán toàn cầu. Ảnh minh họa: THX/ TTXVN

Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong 2 ngày 16-17/3. Cùng với chủ đề của Tiến trình hợp tác các Bộ trưởng Tài chính APEC (FMP) năm 2022 là “Thúc đẩy số hóa, đạt tính bền vững”, các nền kinh tế thành viên đã thừa nhận nguy cơ của biến đổi khí hậu và vai trò của tài chính bền vững trong việc đạt được các mục tiêu toàn cầu nhằm hạn chế phát thải carbon.

Ông Krisada Chinavicharana, Thứ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan, Chủ tịch của Hội nghị lần này cho biết: “2 năm qua, các cơ quan chức năng trên thế giới đã chuyển hướng ưu tiên sang việc cứu sống nhiều người và bảo vệ sinh kế”; đồng thời nhấn mạnh, ngày nay, giữa đại dịch COVID-19, nhiều người trong chúng ta đã nhận ra rằng, tính bền vững là một phần không thể thiếu của quá trình phục hồi, đóng vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân. 

Hội nghị đã lắng nghe quan điểm của các nền kinh tế thành viên và những thực tiễn tốt nhất về các công cụ chính sách hỗ trợ tài chính bền vững, trong bối cảnh các hạn chế tài chính của các nền kinh tế và hạn chế ngân sách từ đại dịch.

Bên cạnh đó, sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực kỹ thuật số đã thúc đẩy các nền kinh tế thành viên xem xét làm sâu sắc hơn vai trò của công nghệ kỹ thuật số đối với chính sách tài khóa và tài chính bao trùm. Ông Krisada Chinavicharana giải thích, trong bối cảnh đại dịch, khi các biện pháp phong toả được áp dụng, các Chính phủ đã học cách sử dụng dữ liệu để phân bổ và nhắm mục tiêu các gói hỗ trợ hoặc kích thích của Chính phủ tốt hơn, sau đó được phân phối thông qua các kênh kỹ thuật số, chẳng hạn như các ứng dụng di động hoặc nền tảng thanh toán điện tử.

“Chúng ta cần tiếp tục thúc đẩy làn sóng công nghệ và mở rộng vai trò của công nghệ trong việc hỗ trợ các lĩnh vực, chẳng hạn như dịch vụ thanh toán và kiều hối, cũng như thu thuế của Chính phủ”, ông Krisada Chinavicharana nói thêm.

Với thực tế rằng, khu vực châu Á - Thái Bình Dương là khu vực đóng góp lớn nhất vào doanh thu thanh toán toàn cầu, ông Krisada Chinavicharana kêu gọi các nền kinh tế thành viên nắm bắt động lực này, và thảo luận cách để có thể nắm bắt xu hướng này vì lợi ích của tài chính bao trùm, trong khi giải quyết thách thức trong các giao dịch xuyên biên giới.

Qua đó, Chủ tịch Hội nghị Thứ trưởng Tài chính và Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương APEC năm 2022 kết luận: “Điều này sẽ mang lại lợi ích to lớn không chỉ đối với người dân trong khu vực, mà còn cả các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa, những người có thể được hưởng lợi từ tính minh bạch, mở cửa và kết nối trên khắp khu vực”.

Đáng chú ý, kết quả thảo luận từ Hội nghị lần này sẽ chuẩn bị nội dung cho Hội nghị Quan chức Tài chính cao cấp APEC, dự kiến ​​được tổ chức vào tháng 6 năm nay.

Lê Thảo (Lược dịch từ APEC.org)