Những ngày qua, thông tin nhiều doanh nghiệp xuất khẩu điều của Việt Nam có nguy cơ mất gần 100 container hàng, có giá trị hàng trăm triệu USD thu hút sự quan tâm của dư luận. Sự quan tâm không chỉ bởi số lượng hàng hóa lớn, nhiều doanh nghiệp bị “dính” mà còn ở thủ đoạn tinh vi mà đến bây giờ các “khổ chủ” vẫn đang truy tìm lỗ hổng. Điều này cho thấy, trong quá trình hội nhập kinh tế, bên cạnh mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp vẫn tiềm ẩn nhiều thách thức, rủi ro.
Theo thông tin buổi họp báo chiều tối 9/3 về vụ việc trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) - ông Bạch Khánh Nhựt cho biết, các doanh nghiệp lo ngại rằng đây có thể là vụ lừa đảo lớn khi các doanh nghiệp này đều ký hết hợp đồng thông qua Công ty môi giới Kim Hạnh Việt xuất khẩu nhân điều sang Italia. Sự việc xuất phát từ những lo ngại khi hàng đến Italia, nhưng các doanh nghiệp đều gặp tình trạng chung về việc liên tục thay đổi số SWIFT - mã số định danh nhận diện ngân hàng; có 36 container thất lạc chứng từ gốc - trong khi đó, bất cứ ai có bộ chứng từ gốc đều có thể gặp hãng vận tải để nhận hàng.
Ngay sau khi có thông tin phản ánh, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan liên quan phối hợp với Hiệp hội Điều Việt Nam kiểm tra làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý, hỗ trợ theo thẩm quyền bảo đảm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp, phù hợp với quy định của pháp luật trong nước và quốc tế.
Hiện nay cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Italia đang tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tiến hành các thủ tục pháp lý cần thiết để kiểm soát các lô hàng. Trong trường hợp khả quan nhất, các doanh nghiệp dù lấy lại được các lô hàng thì cũng chịu không ít tổn thất, như tiền thuê luật sư, tiền lưu kho bãi, giải quyết việc tiêu thụ các lô hàng...
Chuyện gần trăm container hạt điều có nguy cơ bị mất chỉ là một trong rất nhiều rủi ro mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong quá trình tham gia hội nhập kinh tế. Chuyện này đã từng xảy ra với ngành thủy sản những năm trước đây. Hay như chuyện dư lượng chất bảo vệ thực vật, chất bảo quản trong nông, thủy sản từng gây không ít trở ngại, hàng bị trả về gây tổn thất cho các doanh nghiệp khi xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Mỹ…
Hiện nay, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (FTA), như EVFTA, CPTPP, RCEP đã mang lại nhiều cơ hội cho sản phẩm nước ta xuất khẩu sang EU và các nước trên thế giới, với nhiều ưu đãi về thuế quan. Tuy nhiên, để vào được các thị trường khó tính này, sản phẩm của Việt Nam phải đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe. Ngoài các tiêu chí như chất lượng, giá cả, bao bì, đóng gói… còn có nhiều tiêu chí khác có tính ràng buộc, gắn liền với cả quá trình sản xuất, chứ không riêng doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu. Chẳng hạn, việc tuân thủ quy định về chống đánh bắt hải sản IUU (khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định), nếu vi phạm, bị Ủy ban châu Âu phạt thẻ đỏ thì thủy sản “hết cửa” xâm nhập vào thị trường này. Hoặc các quy định về truy xuất nguồn gốc của sản phẩm, nếu không đáp ứng được các yêu cầu sẽ không được hưởng các ưu đãi về thuế quan khi xuất khẩu vào các thị trường tham gia hiệp định… Với các doanh nghiệp dệt may, chế biến thủy sản ở Thừa Thiên Huế, có sự chuẩn bị khá tốt nên tránh được các rủi ro, tổn thất không đáng có, kim ngạch xuất khẩu không ngừng tăng.
Khi “ra biển lớn”, cơ hội và thách thức luôn song hành. Nếu ứng phó kịp thời, thành công thì những thách thức trên có thể biến thành cơ hội. Vì vậy, các doanh nghiệp cần có sự chuẩn bị kỹ về nội lực, tìm hiểu sâu thị trường, hiểu rõ đối tác và nắm vững quy định trong các hiệp định thương mại, luật pháp nước sở tại… để tránh các rủi ro, thua lỗ, thậm chí mất trắng có thể xảy ra.
Hoàng Minh