Cô Phạm Thị Hương trong giờ học tiếng việt ở Nam Đông

Trường tiểu học Thượng Long (Nam Đông), nơi cô giáo Hương đang công tác đóng trên địa bàn xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Năm học này, nhà trường có 330 học sinh, trong đó có 325 học sinh là người dân tộc Cơ Tu, chiếm tỷ lệ 98,5%. Theo cô Hương, qua hơn 2 năm thực hiện đề án tăng cường tiếng Việt cho HS dân tộc thiểu số, đáng ghi nhận ở Trường tiểu học Thượng Long là đã xây dựng và bước đầu hình thành môi trường tiếng Việt cho học sinh.

Cô Hương cùng các đồng nghiệp được nhà trường cử tham gia tập huấn dạy học tăng cường tiếng Việt. Cùng với quan tâm chỉ đạo đưa vào sử dụng tài liệu tăng cường tiếng Việt cho học sinh lớp 1,2 và 3, nhà trường đồng thời xây dựng thời khóa biểu đưa các tiết tăng cường vào dạy buổi học thứ hai; bố trí các tiết đọc thư viện, mỗi tuần 1 tiết để xây dựng môi trường đọc, văn hóa đọc và thói quen đọc cho các em.

Nhà trường cũng đã chỉ đạo Liên đội tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các cuộc giao lưu, đố vui, sinh hoạt tập thể, sinh hoạt chủ điểm để tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh. Các giáo viên chủ nhiệm thường xuyên phối hợp với cha mẹ học sinh để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cha mẹ học sinh về hỗ trợ, tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt ở nhà cho các em.

99% học sinh ở Thượng Long là con em dân tộc thiểu số, hàng ngày các em giao tiếp với bố mẹ, cộng đồng bằng tiếng mẹ đẻ, thói quen sử dụng bản ngữ nên vốn từ tiếng Việt rất hạn chế, do đó các em nhút nhát, rụt rè, ngại giao tiếp, môi trường giao tiếp hạn hẹp. Các em chỉ nói tiếng Việt khi ở trường, khi về với gia đình các em lại sống trong gia đình thuần tiếng dân tộc. Nhận thức của nhiều bậc cha mẹ học sinh chưa cao và cũng do khách quan cuộc sống khó khăn nên ỷ lại, có ý “khoán” cho nhà trường. Một số giáo viên ít am hiểu tiếng dân tộc, phong tục địa phương.

Theo cô giáo Phạm Thị Hương, để khắc phục những khó khăn đó trong quá trình triển khai dạy tăng cường tiếng Việt, cô và đồng nghiệp đã bám sát yêu cầu và mục tiêu, ưu tiên hình thành 4 kỹ năng nghe, nói, đọc viết tiếng Việt cho học sinh, trong đó chú trọng hơn là kỹ năng nói, nghe hiểu. Bên cạnh đó, lựa chọn nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với từng đối tượng học sinh, phù hợp với địa phương; mạnh dạn tìm tòi nội dung, sưu tầm tư liệu phù hợp để dạy cho phù hợp với học sinh của mình.

Đáng nói hơn cả đối với mỗi giáo viên là phải tạo được hứng thú trong học tập của học sinh, làm cho học sinh nhận thấy học tiếng Việt là có ích và thực sự cần thiết, tạo niềm đam mê trong học tập của các em, tạo môi trường thân thiện để các em tham gia, tạo động cơ “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” đối với học sinh, từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học. Đặc biệt, luôn yêu thương và gần gũi, mỗi giáo viên là một tấm gương sáng để các em học tập và noi theo.

Bài, ảnh: Huế Thu