Cấy ghép nội tạng lợn sang người được xem alf một phương pháp điều trị tiềm năng. Ảnh minh họa: Ảnh chụp màn hình/Tuổi trẻ Online

Tuy nhiên, nguồn cung nội tạng hiến có hạn là một vấn đề đang diễn ra.

Cụ thể, hiện tại, hơn 100.000 người đang nằm trong danh sách chờ ghép tạng ở Mỹ và nhiều người khác vẫn không thể lọt vào danh sách này, bởi họ không đáp ứng được các yêu cầu nghiêm ngặt về điều kiện cấy ghép.

Trước tình hình này, các bác sĩ đã nhìn thấy một giải pháp khả thi là cấy ghép Xenot, hay còn gọi là cấy ghép nội tạng từ một loài khác vào người. Trước đó, vào tháng 9/2021, các nhà nghiên cứu đã cấy ghép thành công hai quả thận lợn biến đổi gen vào một bệnh nhân chết não.

Vào tháng 1/2022, các bác sĩ thành viên của nhóm phẫu thuật cũng đã tiến hành ca cấy ghép tim từ lợn sang người đầu tiên trên một bệnh nhân còn sống.

Mặc dù vẫn còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là sau thông tin bệnh nhân đã không qua khỏi sau 2 tháng tiến hành phẫu thuật, nhưng những thành công ban đầu này cho thấy khoa học đã tiến xa đến mức nào khi cấy ghép nội tạng động vật sang người trở thành một khả năng điều trị bệnh khả thi.

Tiến hành cấy ghép từ động vật không còn mới

Trong khi cấy ghép từ động vật sang người đã thu hút được sự chú ý đáng kể, nhiều nỗ lực đã được thực hiện để cấy ghép tế bào, mô và cơ quan động vật vào người trong 60 năm qua, với mức độ thành công khác nhau.

Vào những năm 1960, việc ghép thận không được thực hiện rộng rãi vì thiếu các cơ quan hiến tặng. Những lo ngại về đạo đức và pháp lý khiến việc tìm người hiến còn sống trở nên cực kỳ khó khăn và nội tạng được thu thập từ những người hiến tạng đã qua đời không đạt được nhiều thành công.

Vì vậy, bác sĩ phẫu thuật Keith Reemtsma đã thực hiện một loạt 12 ca ghép thận, bằng cách sử dụng tinh tinh làm bên hiến tặng. Trong khi hầu hết các cơ quan được cấy ghép chỉ tồn tại trong vài tuần, đã xuất hiện một số bệnh nhân có thể sống thêm 9 tháng sau khi tiến hành cấy ghép.

Được biết, nhiễm trùng là vấn đề chính ở một nửa số bệnh nhân, trong khi vấn đề đào thải cơ quan xảy ra ở một nửa số ca còn lại.

Ngoài bác sĩ Keith Reemtsma, nhiều bác sĩ khác cũng đã nỗ lực cấy ghép nội tạng động vật sang người, có thể kể đến như bác sĩ Thomas Starzl, với hàng loạt ca ghép thận tương tự, lấy khỉ đầu chó là bên hiến tạng. Một số trường hợp bệnh nhân sau phẫu thuật đã sống được đến 2 tháng...

Thoạt nhìn, những kết quả ban đầu có vẻ kém, song một số ca cấy ghép này thực sự cung cấp cho bệnh nhân khả năng sống lâu hơn nhiều ca ghép thận từ người sang người.

Có thể nói rằng, bên cạnh nhiều trở ngại trong giai đoạn đầu tiến hành phương pháp cấy ghép từ động vật sang người này, việc cấy ghép các cơ quan giữa các loài đối mặt với vấn đề nghiêm trọng là quá trình tiến hóa. Khi các loài phát triển xa nhau, sự khác biệt ngày càng tăng trong cấu trúc phân tử của chúng có thể dẫn đến sự không tương đồng, khiến việc cấy ghép giữa các loài trở nên khó khăn, hoặc không thể thực hiện được.

Những vấn đề đáng lo ngại nhất bao gồm sự khác biệt về khả năng miễn dịch, tình trạng viêm nhiễm và đông máu, gây tổn thương các cơ quan được cấy ghép và cơ thể của vật chủ.

Tiềm năng 

Tuy có sự tương đồng cả về cơ quan giải phẫu và hệ thống miễn dịch giữa tinh tinh và khỉ đầu chó với người, nhưng sự tương đồng mạnh mẽ giữa người và các loài động vật này cũng làm dấy lên lo ngại về đạo đức, khiến một số bác sĩ không muốn sử dụng chúng làm bên hiến tạng.

Mặt khác, lợn lại cung cấp một nguồn nội tạng hiến có tiềm năng tốt hơn. So với các loài linh trưởng không phải người, lợn trưởng thành nhanh hơn nhiều và sinh sản cũng nhiều hơn. Bên cạnh đó, lợn cũng là nguồn thực phẩm phổ biến cho con người và các mô của chúng cũng được sử dụng để làm van tim giả và các phương pháp điều trị y tế khác.

Tuy cấy ghép từ lợn sang người cũng đã được thực hiện trong quá khứ, 80 triệu năm tiến hóa đã gây ra nhiều thách thức cho tiến trình này.

Cụ thể, lợn có các phân tử trên bề mặt tế bào mà con người không có. Nếu những phân tử này được đưa vào cơ thể của một người, hệ thống miễn dịch của con người sẽ phát thông báo ngoại lai và bắt đầu đào thải siêu cấp.

Song, lợn biến đổi gen lại không có gen tạo ra các phân tử lạ khiến kích hoạt quá trình đào thải và với các gen mới bổ sung của con người sẽ giúp cơ thể người tiếp nhận cơ quan mới. Đây là một trong những cải tiến quan trọng.

Nhìn chung, những thành công gần đây trong việc cấy ghép lợn biến đổi gen cho thấy rõ ràng, cấy ghép nội tạng động vật sang người đã không còn là giấc mơ xa vời, mà đây là một điều hoàn toàn khả thi đối với y học hiện đại.

Nếu trả lời được câu hỏi và tìm ra cách để giảm thiểu sự đào thải và làm thế nào để nội tạng động vật được bảo quản tốt hơn và hoạt động có hiệu quả hơn..., tiềm năng điều trị bằng việc cấy ghép Xenot sẽ được mở ra và giúp cứu lấy hàng trăm ngàn người đang chờ được ghép tạng.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)