Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút FDI
Gần đây hơn, “các biện pháp ngăn chặn mang tính quyết định và hỗ trợ có mục tiêu tốt của chính phủ Việt Nam” như đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) xác định là trọng tâm quốc gia trong những năm đầu đại dịch đã giúp Việt Nam hạn chế suy thoái kinh tế do tác động của COVID-19.
Trước đại dịch, GDP thực tế của Việt Nam tăng 7,02%. Năm 2020, con số này giảm xuống còn 2,91%. Dù GDP giảm đáng kể, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất trên thế giới vào thời điểm đó. Năm 2021, GDP của đất nước tiếp tục giảm xuống còn 2,58% do các biện pháp hạn chế vì COVID-19 kéo dài và chi tiêu tiêu dùng giảm mạnh. Tuy nhiên trong năm nay, Chính phủ Việt Nam dự báo kinh tế sẽ phục hồi với GDP tăng trưởng từ 6%-6,5%.
Thu hút đầu tư
Theo một khảo sát của Liên đoàn Doanh nghiệp Singapore (SBF), được thực hiện từ tháng 7-10/2021, các doanh nghiệp Singapore vẫn rất quan tâm đến Việt Nam. Việt Nam đứng thứ hai trong số các quốc gia mà các doanh nghiệp Singapore muốn đầu tư nhất. Cụ thể, trong số 440 công ty có kế hoạch mở rộng trong tương lai, 31% muốn đầu tư vào Việt Nam, xếp trên Malaysia và Indonesia.
Thực tế, Singapore là nhà đầu tư hàng đầu tại Việt Nam trong 2 năm gần đây. Năm 2021, Singapore đã rót 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Con số này tăng 19% so với năm 2020, khi đảo quốc này đầu tư 8,99 tỷ USD, dữ liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cho thấy.
Đáng chú ý, không có sự sụt giảm nào về tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) được thực hiện ở Việt Nam. Năm 2018, khoản FDI này là 19 tỷ USD. Từ năm 2019 đến năm 2021, FDI thu được là 20 tỷ USD/năm.
“Chúng ta có thể coi đây là nguồn vốn FDI còn lại đã được cam kết trước COVID-19. Nhưng điều thú vị và đáng khích lệ là bất chấp đại dịch, các nhà đầu tư vẫn tự tin và vẫn tiếp tục rót tiền vào Việt Nam”, Giám đốc điều hành ngân hàng UOB Việt Nam, ông Harry Loh cho biết.
Trong khi đó, vốn FDI đăng ký đã bị ảnh hưởng. Năm 2019, vốn FDI đăng ký là 38 tỷ USD. Năm 2020, vốn FDI đăng ký giảm xuống còn 29 tỷ USD trước khi tăng lại lên 31 tỷ USD vào năm 2021.
Theo ông Harry Loh, sự sụt giảm này là “có thể hiểu được vì các hạn chế đi lại”, nhưng điều đáng nói là con số này đã tăng nhẹ trở lại vào năm sau. “Từ mức tăng nhẹ này, chúng tôi có thể suy ra rằng vẫn có sự quan tâm rất lớn từ các nhà đầu tư nước ngoài”, ông nhận định.
Phục hồi sau đại dịch
Business Times cho biết, nhiều doanh nghiệp Singapore như SBF và UOB đã có những nỗ lực đáng ghi nhận về thúc đẩy FDI vào Việt Nam. Kể từ tháng 11/2019, chương trình GlobalConnect @ SBF của SBF đã hỗ trợ 20 dự án tại Việt Nam, trong khi UOB đã giúp hơn 60 công ty đầu tư vào nước này với tổng cam kết trị giá 1,18 tỉ USD, sau khi ký Biên bản ản ghi nhớ mở rộng với Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam vào tháng 11/2020. Các công ty này đến từ Singapore, Malaysia và Trung Quốc, hoạt động trong các lĩnh vực như hàng tiêu dùng, công nghiệp, cũng như xây dựng và cơ sở hạ tầng.
Song song đó, UOB cũng có kế hoạch tạo điều kiện cho các khoản đầu tư tiềm năng trị giá khoảng 2,2 tỉ USD vào các lĩnh vực như sản xuất, công nghệ và hàng tiêu dùng trong 2 đến 3 năm tới.
Đáng chú ý, Việt Nam đang tích cực tìm cách phục hồi lĩnh vực du lịch với việc mở cửa đất nước hoàn toàn trở lại cho du khách nước ngoài. Đây được xem như một quyết định mang tính bước ngoặt cho ngành du lịch, là cơ hội để Việt Nam đón đầu nhu cầu du lịch của toàn cầu.
Ông Harry Loh cho rằng, việc dỡ bỏ gần như tất cả các hạn chế đi lại từ ngày 15/3 sẽ mang lại nhiều tác động đáng khích lệ. “Điều này sẽ tạo ra nhiều tâm lý tích cực với các doanh nghiệp ... Việc nối lại du lịch cũng sẽ thúc đẩy xu hướng tiêu dùng nội địa trong nước và hiệu ứng quay vòng sẽ rất lạc quan”, ông nói.
Theo dữ liệu từ Statista, Việt Nam là một trong những quốc gia có số lượng khách du lịch quốc tế cao nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong năm 2019. Những năm trước đại dịch, ngành du lịch đạt doanh thu khoảng 32 tỉ USD mỗi năm, chiếm hơn 10% GDP. Do vậy, việc khôi phục ngành công nghiệp không khói này mà một trong những trong tâm để Việt Nam phục hồi kinh tế.
Trước đó, dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) rằng Việt Nam hiện là một trong những quốc gia năng động và phát triển nhất ở Đông Á, Business Times cũng dự báo trong năm 2022, Việt Nam sẽ khẳng định vị thế “Con hổ mới của châu Á” và đạt được những thành công vượt bậc.
TỐ QUYÊN
(Tổng hợp & lược dịch từ Business Times & The Diplomat)