Nhà thờ cụ Đặng Huy Trứ. Ảnh Trung Phong

Năm Ất Sửu (1865), trong chuyến đi công cán sang Hương Cảng, Đặng Huy Trứ có dịp tiếp xúc với kỹ thuật nhiếp ảnh. Ông đã chụp hai bức ảnh và cho vẽ truyền thần hai bức chân dung để so sánh, đem về giới thiệu với bạn bè, trong bối cảnh xã hội đương thời chưa mấy ai biết về nhiếp ảnh. Hai năm sau (1867), trong chuyến công vụ lần hai, ông đã nhờ mua máy móc, vật liệu nghề ảnh đem về nước và khai trương hiệu ảnh Cảm Hiếu đường ở phố Thanh Hà (Hà Nội, ngày 2/2/Kỷ Tỵ - 1869) (Nhóm Trà Lĩnh, Đặng Huy Trứ: Con người và tác phẩm, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, 1990, tr.498).

Đáng chú ý là, trong thời gian đầu mới khai trương, ông có viết bài quảng cáo cho hiệu ảnh, với nhiều thông tin đa dạng và rất độc đáo (Đặng Huy Trứ, 1869, “Cảm Hiếu đường ảnh tướng”, trong Đặng Hoàng Trung văn sao, Q.III, VHv834/3 - Viện NC Hán Nôm, Hoàng Ngọc Cương - Trần Văn Quyến dịch, tài liệu VICAS Huế).

Trước tiên, ông khẳng định xưa nay, thân thể con người không ai tái sinh được xương thịt, nhưng chụp ảnh sẽ tái hiện y hệt được tinh thần. Từ truyền thống đạo hiếu Việt Nam, trong đất trời, chỉ có con người là tinh anh của vạn vật, điều tốt đẹp của việc giữ luân thường, mến chuộng đức tốt thì đạo hiếu đứng đầu trăm nết. Thân thể do cha mẹ cho, sau ba năm mới khỏi phải bế ẵm, dù phú quý tột bậc thì một ngày cũng không thay đổi được việc nuôi dưỡng. Khi bé bỏng thì yêu thương, suốt đời nhớ nghĩ.

Một trang quảng cáo hiệu ảnh Cảm Hiếu đường

Ngày giỗ thì khóc, ngày sinh thì thương, người có lương tri lương năng đều vốn như thế. Đi ắt thưa, về ắt trình, người có nhân không nỡ mang lòng rời xa cha mẹ mình. Chết như sống, mất như còn, người con hiếu thảo không nỡ có ý quên đi cha mẹ mình. Dù làm khách ở nơi quan san cách trở, vẫn mãi ôm trong lòng nỗi nhớ xa cách. Đau đớn nhớ nghĩ đến cha mẹ đã già, suốt đời ôm mối hận ngàn thu do không còn được phụng dưỡng tiền nhân. Một bức thư nhà gửi đến thuật lại việc ăn ở thức ngủ, mà chẳng thể nhìn thấy được dung nhan cha mẹ. Hai hàng thần chủ trên bàn thờ còn đề rõ họ tên, mà không còn rõ diện mạo mẹ cha. Lên núi trông cha ngóng mẹ mà nào thấy đâu. Cầu cõi âm, cầu cõi dương mà nào được mắt thấy tai nghe.

Ông dẫn những truyện tích xứ Tàu với nhiều tấm gương như Vương Giám thành tâm ứng mộng, mà lúc thức ngủ bóng hình đều không thấy; Thọ Xương bỏ quan tìm mẹ, mà bóng dâu nước đậu (thờ kính cha mẹ) chẳng còn; Đinh Lan khắc tượng thờ cha, mà việc tạc đẽo tóc da e rằng khó giống... để đề cập đến chuyện chụp ảnh: “Nay muốn sớm tối được vui vẻ như trẻ mặc áo hoa, ngoài ngàn dặm mà thường như dưới gối. Luôn luôn thấy mặt ở bên, trăm năm sau mà vẫn in như trước mắt, khiến mọi người cùng tỏ được tấm lòng thành hiếu, thì chỉ có cách chụp ảnh là sống động nhất”.

Trong nội dung quảng cáo, tác giả cũng đề cập sơ qua lịch sử ngành nhiếp ảnh, cụ thể là cách chụp ảnh, đầu tiên là từ người nước Anh, chứ không phải là người Pháp, sau truyền vào Đại Thanh là nước có bang giao với Đại Nam: “Nay cửa hiệu chúng tôi mở ra trong nước, ở những nơi tàu xe qua lại tấp nập, khai trương chiêu hàng rộng rãi, quý khách nếu có ý tốt, động lòng hiếu thảo, cảm kích phấn phát. Trẻ nhỏ thì thưa trình với bậc tôn trưởng, con em thì bẩm xin lên các bậc cha anh, xin một tấm chân dung bằng mảnh giấy, mà tỏ bày được tấc lòng yêu mến sâu đậm. Xin chiếu theo các điều như dưới đây, tùy tâm sở thích, không dám dối trẻ lừa già, vậy xin giúp cho”.

Theo đó, tác giả liệt kê các hạng mức, biểu giá chụp ảnh một cách cụ thể, như với (1) Đại triều phục chụp lần đầu mỗi tấm giá 5 đồng bạc lớn, đổi ra tiền là 27 quan, 5 mạch; (2) Trang phục thường triều chụp lần đầu mỗi tấm giá 4 đồng bạc lớn, đổi ra tiền là 22 quan; (3) Trang phục tề chỉnh trang trọng cũng như trang phục thường, chụp lần đầu, mỗi tấm giá 3 đồng bạc lớn, đổi ra tiền là 16 quan 5 mạch; (4) Chụp trong tiệm kiêm với tiệm khác cùng hàng mỗi tấm giá trị 3 quan; (5) Chụp với đồng liêu mỗi tấm giá trị 5 mạch, con em người đầy tớ mỗi tấm giá tiền 2 quan. Tất cả, in (sang) lại thì giá như trên.

Trên nền ảnh nước màu đen trắng, nếu khách hàng muốn điểm xuyết những nét đan thanh cho sinh động, tinh tế thì nên thương lượng giá với công nhân, hiệu ảnh không can thiệp. Đáng chú ý là với kỹ thuật tráng ảnh thời kỳ này thì thời hạn giao nhận ảnh là bốn ngày sau khi chụp.

Đó là nội dung căn bản trong tờ quảng cáo trên bảng hiệu của tiệm Cảm Hiếu đường ở Hà Nội, “xin thông báo để chư vị quý khách ở địa phương khác được hay biết”, được tác giả viết vào ngày 15/Giêng/Tự Đức thứ 22 (Kỷ Tỵ - 1869). Theo tài liệu của Nhóm Trà Lĩnh (Khương Hữu Dụng dịch) thì trước hiệu ảnh có các câu đối: (1) Nhân yên trù mật Thanh Hà phố/ Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu đường (Thanh Hà phố ấy dân trù mật/ Cảm Hiếu đường đây khách nhiệt nồng); (2) Hiếu dĩ sự thân nhân sở cộng/ Ảnh giai tiêu tượng thế tương truyền (Hiếu thờ cha mẹ người người muốn/ Ảnh giống dung nhan mãi mãi truyền).

Kinh đô Huế thời Nguyễn là nơi hội tụ tinh hoa khoa học công nghệ bốn phương, nổi bật từ kỹ thuật xây dựng thành quách theo lối kiến trúc Vauban, kỹ nghệ đóng sửa tàu thuyền, đúc đại bác hiện đại đầu thế kỷ XIX cho đến sự lan tỏa các thành tựu khoa học hiện đại trong giao thông - xây dựng (đường sắt, đường nhựa, cầu sắt Trường Tiền, nhà máy vôi thủy Long Thọ...), y học và sức khỏe (Bệnh viện Huế, Nhà máy nước Huế, Nhà máy đèn Huế), trong giáo dục (Trường Quốc học, Trường Bá Công...) đầu thế kỷ XX. Từ đây, công lao khai mở nghề ảnh ở cựu kinh Thăng Long của danh nhân Đặng Huy Trứ từ chốn Thần kinh có thể coi là một trường hợp điển hình cho đóng góp vượt bậc trong “bảo tàng công nghệ” của cả nước, cần được ghi nhận, tôn vinh xứng đáng.

Bài, ảnh: TRẦN ĐÌNH HẰNG