Vợ chồng nguyên đơn làm nghề liên quan đến đầm phá. Vốn dĩ bị thương tật mất một cánh tay, lại có lần không may bị tai nạn giao thông, nên nguyên đơn (người chồng) rất khó khăn trong việc điều khiển xe đạp; hầu như phải đi bộ. Ông T. (là người cùng địa phương) đưa ra lời đề nghị đổi nhà đất do vợ chồng nguyên đơn đang sở hữu, sử dụng (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trên đất có căn nhà cấp 4 tạm bợ) cho ông T. Còn vợ chồng nguyên đơn dời đến ở trong căn nhà gần mé đầm để tiện đi lại, làm nghề sinh sống.

Hai bên chỉ thỏa thuận miệng với nhau mà không có bất kỳ văn bản nào; không thực hiện các thủ tục theo quy định tại cơ quan có chức năng, thẩm quyền. Sau khi “đổi nhà bằng miệng”, nguyên đơn đến chỗ ở mới, bỏ ra 70 triệu đồng (theo trình bày của nguyên đơn) sửa sang lại căn nhà để ở. Về phần ông T., tiếp tục đổi nhà (trước đây của nguyên đơn) cho người em nuôi (hiện là bị đơn trong vụ án). Bị đơn đến nhà mới, do mái tôn bị dột nên bỏ ra 40- 50 triệu đồng để sửa chữa (theo trình bày của bị đơn). Còn ông T. nhận đất của bị đơn (có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) để làm nhà thờ họ. Việc “đổi chác” cũng chỉ bằng miệng.

Do không làm được giấy tờ đối với thửa đất mới đổi, nguyên đơn đòi lại nhà của mình. Bị đơn yêu cầu nguyên đơn “phụ” lại số tiền 40-50 triệu đồng đã bỏ ra sửa nhà, thì bị đơn sẽ trả lại nhà. Tuy nhiên, nguyên đơn cho rằng, hoàn cảnh quá khó khăn, nên chỉ đồng ý số tiền khoảng 15 triệu đồng, hỗ trợ cho bị đơn di chuyển.

Dùng dằng không bên nào chịu bên nào. Hai bên đưa nhau đến UBND xã “kiện cáo”. Sau nhiều lần UBND xã hòa giải bất thành, nguyên đơn khởi kiện ra tòa án như nêu trên.

“Hai bên đều nghèo khổ, đều không hiểu biết về pháp luật dân sự. Đặc biệt là nguyên đơn, chiếc áo mặc trên người cũ đến mức không thể cũ hơn; trình bày hoàn cảnh chừng nào khóc chừng ấy, xót xa đến đứt ruột. Rất nhiều lần chúng tôi hòa giải, phân tích cặn kẽ mọi điều thiệt hơn, để cả hai bên hiểu rõ và đi đến thống nhất thỏa thuận chung, tránh kéo dài thời gian kiện tụng, ảnh hưởng, thiệt hại không nhỏ đến công việc mưu sinh và cuộc sống”- nữ thẩm phán bộc bạch.

Với cái tâm của người làm công tác xét xử, nữ thẩm phán một mặt động viên phía nguyên đơn cố gắng nâng thêm chút nữa khoản hỗ trợ (trước đó nguyên đơn chỉ đồng ý khoảng 15 triệu đồng) để bị đơn di chuyển ra khỏi nhà. Mặt khác, chị khuyên bị đơn chấp nhận khoản hỗ trợ thấp hơn (so với yêu cầu trước đó của bị đơn là 40 - 50 triệu). Đồng thời, nữ thẩm phán nói rằng, có tốn nhiều thời gian công sức đến mấy, chị cũng nỗ lực phân tích, hòa giải thật thấu đáo. Bởi nếu người dân không an cư thì khó lòng yên tâm làm ăn sinh sống. Và nếu các bên không đạt được thống nhất thỏa thuận, tòa án sẽ đưa vụ án ra xét xử theo quy định của pháp luật. Các bên có thể còn “kéo” nhau từ cấp xét xử này đến cấp xét xử khác, với rất nhiều hệ lụy, ảnh hưởng kinh tế, cuộc sống.

Quỳnh Anh