Dâu tây Hana Nhật Bản cho năng suất cao

Ở Việt Nam, Đà Lạt và các tỉnh miền núi phía Bắc là địa phương thích hợp để canh tác dâu tây bởi nhiệt độ, độ ẩm và thổ nhưỡng phù hợp. Với thời tiết khắc nghiệt ở Huế, để trồng thành công loại cây ôn đới này chẳng hề dễ dàng. Anh Trương Như Hải cho biết: “Dâu tây sinh trưởng và phát triển tốt với mức nhiệt từ 18 – 22 độ C, độ ẩm đạt trên 84%. Bởi thế, nhiều người cho rằng loại cây này khó có thể sinh trưởng, phát triển tốt ở Huế, nhưng tôi không nghĩ vậy...”.

Đam mê mãnh liệt với nông nghiệp công nghệ cao, trước đó, anh Trương Như Hải mạnh dạn đầu tư xây dựng nhà kính, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến của Israel để trồng dưa lưới với diện tích 1.300m2. Nhưng với đặc tính thích nghi điều kiện khí hậu ấm áp, khô ráo, đầy đủ ánh nắng, dưa lưới chỉ dễ trồng trong những tháng khô ráo, ít mưa. Ngược lại, ở Huế, khi thời tiết lạnh, trời âm u kéo dài, không chỉ ảnh hưởng đến tốc độ phát triển, dưa lưới còn dễ bị sâu bệnh phá hoại và cho năng suất thấp. “Bởi thế, tôi nghĩ đến dâu tây. Tuy không phải là loại cây dễ trồng, nhưng khi tìm nguồn giống thích hợp, hướng cho cây thuần thời tiết, việc trồng và thu hoạch dâu tây ổn định đã không còn là điều xa vời”, anh Hải nói.

Qua quá trình thử nghiệm những giống dâu tây khác nhau, anh Trương Như Hải đã chọn lựa dâu tây Hana (dâu tây Tochiotome) Nhật Bản. Không chỉ có mùi thơm nhẹ đặc trưng, màu sắc bắt mắt, loại dâu này còn có vị ngọt đậm, phù hợp với khẩu vị người Việt. Anh cho biết: “Hiện tại vườn đang trồng 1.000 chậu dâu tây Hana được nhân giống bằng phương pháp cấy mô. Nhờ đó, cây dâu con có sức sống mãnh liệt, chống chịu tốt hơn so với cách nhân giống thông thường. Kết hợp với việc giữ nhiệt độ và chăm sóc, tưới bón hợp lý, chỉ sau 3 tháng là quả có thể cho thu hoạch”.

Với lợi thế trồng nhà kính, dâu tây được bảo vệ khỏi sương giá hay thay đổi thời tiết đột ngột. Khu nhà kính còn được trang bị hệ thống quạt đối lưu, hệ thống phun sương, tưới mái, cảm biến nhiệt độ và độ ẩm… đảm bảo môi trường lý tưởng cho cây phát triển.

Nước và dưỡng chất được cung cấp qua hệ thống tưới nhỏ giọt theo công nghệ Israel; nhờ đó, nước, các loại phân bón được phân bổ hợp lý, hạn chế sự thất thoát dinh dưỡng, giảm chi phí hao hụt. Cách tưới này còn duy trì sự khô ráo cho dâu tây, tránh cho cây khỏi các loài nấm bệnh gây hại do độ ẩm như mốc xám, đốm đen, thối trái...

Anh Hải hồ hởi: “Dâu được thu hoạch trong vòng đời từ 6 tháng đến 1 năm. Trung bình mỗi cây cho 1,5kg quả. Hiện tại, dâu tây Hana Nhật Bản đang rất được ưa chuộng trên thị trường. Giá bán dao động khoảng 250 nghìn đồng/kg và cung không đủ cầu”. Ngoài thu hoạch quả, anh còn cung cấp chậu dâu cảnh thuần khí hậu ra thị trường, đáp ứng nhu cầu của khách hàng với giá 50 nghìn đồng/chậu.

Trong thời gian tới, ngoài nhà kính được bao, che bằng lưới cách ly với môi trường bên ngoài để hạn chế côn trùng, sâu bệnh, anh Hải sẽ đầu tư giàn 3 tầng để đặt giá thể trồng dâu, vừa tận dụng ánh sáng, tăng hiệu quả thẩm mỹ, kỹ thuật, vừa giảm sâu bệnh và tăng năng suất trên cùng một đơn vị canh tác.

Đánh giá về mô hình trồng dâu tây thuần khí hậu Huế, ông Võ Trần Tuấn Hưng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Thủy Biều, cho biết: “Mô hình trồng dâu tây thuần khí hậu của anh Trương Như Hải bước đầu mang lại hiệu quả đáng khích lệ. Đây là hướng canh tác có ý nghĩa đối với sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn hiện nay, khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, góp phần chuyển đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng tiên tiến, hiện đại”.

Bài, ảnh: MAI HUẾ