Nhã nhạc Cung đình Huế được phát triển với sự đa dạng và phong phú về thể loại​. Ảnh: TL

Nhã  nhạc là loại hình âm nhạc được dùng trong cung đình Việt Nam và các nước Đông Á, thể hiện nội dung, tính chất, đặc điểm của văn hóa cung đình. Riêng ở Việt Nam, Nhã nhạc từng tồn tại ở các kinh đô Thăng Long và Huế, và đến nay chỉ có Huế là nơi duy nhất còn lưu giữ được Nhã nhạc của Việt Nam.

Với sự phát triển của thông tin đại chúng, đặc biệt là internet, người ta vẫn có thể nghe Nhã nhạc qua phát thanh, truyền hình, trên mạng internet. Thế nhưng khi nghe âm nhạc trong chính môi trường, bối cảnh của nó thì người ta mới cảm nhận được một cách sâu sắc, xúc cảm sẽ dâng trào hơn, trọn vẹn hơn.

Một điều nữa có thể nhận thấy là Nhã nhạc vang lên làm cho di tích trở nên sống động hơn. Cho dù bản thân các di tích, cung điện ở Huế cũng đã nói lên được giá trị của mình, nhưng nếu chúng có thêm khía cạnh phi vật thể đi kèm như âm nhạc, nghi lễ (cùng với trang phục, nhạc cụ, đạo cụ) thì sẽ tạo nên ấn tượng, xúc cảm sâu sắc hơn, đầy đủ, trọn vẹn hơn, giá trị của di sản Huế sẽ bộc lộ rõ ràng hơn trong lòng du khách.

Nhạc cổ điển phương Tây, nhạc Jazz của Mỹ, Ca Trù, Quan Họ… dù đã được thừa nhận có giá trị cao, song vẫn là khó nghe đối với những người mới tiếp xúc lần đầu. Với khách du lịch là những người thường có lộ trình di chuyển nhiều, thời gian lưu trú ngắn, đa dạng về đối tượng, nghề nghiệp, trình độ thẩm âm, vì thế họ không có điều kiện để thẩm thấu và hiểu hết những giá trị sâu sắc của Nhã nhạc. Đó là điều chúng ta phải nhận thấy và tìm cách khắc phục.

Từ việc nhận biết đặc điểm, nhu cầu của du khách như thế, rất cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa những người tổ chức biểu diễn Nhã nhạc và các công ty lữ hành. Các công ty du lịch hiểu rõ nhất đặc điểm và nhu cầu, tâm lý của từng đối tượng du khách khác nhau thông qua các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch hội nghị…, từ đó, đưa ra các sản phẩm phù hợp với từng đối tượng. Chỉ khi có các sản phẩm biểu diễn phù hợp với đối tượng khán giả thì buổi biểu diễn mới có hiệu quả, mang lại sự yêu thích, hứng thú cho khán giả.

Hiện tại, việc trình diễn Nhã nhạc Huế cho khách du lịch đã được triển khai khá đa dạng: ở ngoài trời, trong các cung điện, đền miếu và trong Nhà hát hoàng cung Duyệt Thị Đường. Như vậy, du khách có thể tiếp cận với Nhã nhạc ở những cấp độ nông sâu khác nhau. Trong quá trình tham quan hoàng cung, họ có thể dừng lại vài ba phút ở Ngọ Môn hay Thế Miếu để xem cho biết Nhã nhạc là gì. Còn nếu muốn biết sâu hơn về Nhã nhạc, du khách có thể vào xem phần biểu diễn kéo dài khoảng 30 phút trong Nhà hát hoàng cung Duyệt Thị Đường. Ở đây, du khách có thời gian, điều kiện để được giới thiệu sâu hơn, kỹ hơn về giá trị nghệ thuật của Nhã nhạc Huế.

Tuy nhiên, sau gần hai thập kỷ triển khai, số lượng du khách vào xem các suất diễn này vẫn còn khá hạn chế. Phải làm sao để đưa chương trình này vào trong tour du lịch như trường hợp chương trình múa rối nước của nhà hát Thăng Long ở Hà Nội, hay chương trình biểu diễn của các diễn viên chuyển giới ở Thái Lan, hoặc gần gũi ngay trước mắt là chương trình ca Huế trên sông Hương… thì lượng du khách đến xem mới có thể đông hơn.

Phải làm sao để chương trình biểu diễn thật sự hấp dẫn, lôi cuốn, đáp ứng được nhu cầu của du khách thì nó mới được đưa vào tour và tồn tại được lâu dài trong tour. Điều này cần có sự khảo sát, nghiên cứu kỹ lưỡng cả về tâm lý du khách, tour tuyến tham quan và cả nghệ thuật âm nhạc, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa những nhà tổ chức biểu diễn và các công ty lữ hành để tạo ra một sản phẩm du lịch vừa mang nét đặc trưng của cung đình, vừa dễ hiểu, dễ cảm nhận đối với khách du lịch.

Xây dựng chương trình biểu diễn có khả năng thu hút du khách tại Nhà hát hoàng cung Duyệt Thị Đường và đưa vào tour tuyến là cách phát huy, quảng bá Nhã nhạc rất tốt, góp phần làm tăng sự hấp dẫn của ngành du lịch Huế, giúp kéo dài thời gian tham quan Hoàng cung Huế nói riêng và Huế nói chung. Đó cũng chính là mong muốn của các nghệ sĩ biểu diễn, của ngành du lịch Huế và cả du khách đến Huế thưởng ngoạn.

TS. PHAN THUẬN THẢO