Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương (trái) kiểm tra tiến độ các công trình
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Trước khi có NQ 11 của Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác đặc biệt (CTĐB) về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Cùng với đó, lãnh đạo tỉnh trực tiếp đối thoại với DN, kịp thời lắng nghe kiến nghị, đề xuất; triển khai các chính sách hỗ trợ của Trung ương, địa phương đến cộng đồng DN. Đồng thời, trình HĐND tỉnh ban hành 7 NQ liên quan cơ chế, chính sách hỗ trợ DN, người dân và người lao động và ban hành 3 quyết định liên quan cải cách các thủ tục hành chính (TTHC) nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để DN và người dân dễ dàng tiếp cận được với các cơ chế, chính sách hỗ trợ từ Trung ương và địa phương.
Trong giai đoạn này, tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện linh hoạt các giải pháp hỗ trợ DN. Cụ thể, tập trung hỗ trợ nâng cao năng lực cho hơn 4.000 lượt DN, doanh nhân; hỗ trợ tiêu thụ, kết nối thị trường cho hơn 200 lượt DN; hỗ trợ sở hữu trí tuệ, đổi mới công nghệ cho 170 lượt DN... Tổng kinh phí hỗ trợ đến nay đạt hơn 5 tỷ đồng với hơn 4.000 lượt DN.
Tỉnh đã công khai kịp thời 800 TTHC và bãi bỏ 228 TTHC trên cổng dịch vụ công quốc gia; phê duyệt quy trình nội bộ giải quyết TTHC thuộc thẩm quyền tiếp nhận và giải quyết của các cấp chính quyền gồm 2.636 quy trình và đã thiết lập 100% quy trình điện tử giải quyết TTHC trên phần mềm Hệ thống xử lý một cửa tập trung tỉnh; thực hiện TTHC liên thông giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế cấp huyện.
Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng bãi rác Phú Sơn
Ngay sau khi có NQ 11 của Chính phủ, ngoài kế hoạch thực hiện, UBND tỉnh nhanh chóng ban hành kế hoạch gồm nhiều chính sách hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD). Cụ thể, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% (còn 8%); hỗ trợ lãi suất 2%/năm thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các DN, HTX, hộ kinh doanh; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua…
Dành nguồn lực cho phục hồi kinh tế
Bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm Tính đến tháng 3/2022, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 là 138.962 người với tổng kinh phí 81,5 tỷ đồng; hỗ trợ bằng tiền cho người lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 từ kết dư quỹ bảo hiểm thất nghiệp là 96.156 người với kinh phí 232 tỷ đồng; đã có 9.140 lao động tìm kiếm việc làm; tổ chức 20 phiên giao dịch việc làm, thu hút 191 lượt DN và 1.780 lượt lao động tham gia. |
Theo kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện NQ 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, mục tiêu là phục hồi, phát triển nhanh hoạt động SXKD, ưu tiên một số ngành, lĩnh vực quan trọng; giữ vững ổn định kinh tế; tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm và khâu đột phá của giai đoạn 2021-2025 trong tình hình mới; phấn đấu tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm sau cao hơn năm trước; tạo việc làm hàng năm cho 1,6-1,8 vạn lao động; tập trung CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tạo thuận lợi cho DN, HTX, hộ kinh doanh.
Tỉnh đã có quyết định thành lập 4 tổ CTĐB liên ngành để đẩy nhanh tiến độ các dự án (DA), là cầu nối hỗ trợ nhà đầu tư các thủ tục liên quan nhằm thúc đẩy, thu hút đầu tư vào tỉnh Thừa Thiên Huế. Các tổ CTĐB có nhiệm vụ chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý các vướng mắc nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các DA ngoài ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công các DA sử dụng nguồn vốn ngân sách trên địa bàn tỉnh theo danh mục các DA.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, thời gian tới, tỉnh tiếp tục cải cách TTHC nhằm khơi thông nguồn lực đầu tư. Chuẩn bị các điều kiện thu hút làn sóng đầu tư mới. Trong đó, sẵn sàng về mặt bằng, nhân lực chất lượng cao, cơ sở hạ tầng, cải cách các TTHC. Hỗ trợ DN tham gia liên kết theo chuỗi với các tập đoàn lớn trong và ngoài nước. Tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư sớm hoàn thiện các thủ tục về đất đai đối với các DA đã hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư. Chuẩn bị quỹ đất sạch sẵn sàng kêu gọi đầu tư DA, tập trung các DA hạ tầng khu công nghiệp, logistic.
“Năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 6,5 - 7,5%. Đây là mục tiêu cao trong tình hình hiện nay, đòi hỏi phải có hệ thống giải pháp đồng bộ, sự nỗ lực, quyết tâm cao của tất cả các ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ. Đặc biêt, phát huy vai trò người đứng đầu địa phương trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng và chịu trách nhiệm cá nhân trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh nếu để xảy ra chậm trễ, kéo dài, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Qua đó, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế bền vững, tạo đà cho Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương” - Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.
Bài, ảnh: Thái Bình