Cùng với đầu tư máy móc, nguồn vốn khuyến công còn giúp các cơ sở trưng bày và quảng bá sản phẩm thông qua các hội chợ trong và ngoài nước

Thành lập từ năm 1996, Cơ sở Xay xát lúa gạo Hoàng Lâm ở xã Quảng Thành (Quảng Điền) chuyên đảm nhận gia công xay xát gạo cho bà con địa phương, đồng thời phục vụ các loại gạo cho bà con trên địa bàn thông qua máy xay xát sẵn có. Với các thiết bị xay xát thủ công, công suất khoảng 3 tạ/giờ, trong khi trên địa bàn xã chỉ có 1 cơ sở xay xát nên lâu nay không đáp ứng nhu cầu cho bà con. Để phục vụ nhu cầu của khách hàng và đảm bảo đủ số lượng gạo cung ứng ra thị trường hằng ngày, cơ sở phải huy động nhiều nhân công và bố trí xay xát vào ban đêm gây ảnh hưởng đến bà con xung quanh và gây ô nhiễm tiếng ồn. Mặt khác, do máy thiết kế nhỏ, các công đoạn chủ yếu đều thủ công nên công suất thấp, nhân công nhiều và tiêu hao nhiều điện năng.

Tháng 6/2021, được sự hướng dẫn của Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quảng Điền, cơ sở lập đề án xin bố trí vốn KC để đầu tư máy móc thiết bị và được Sở Công thương phê duyệt. Tháng 12/2021, cơ sở đầu tư 205 triệu đồng trang bị hệ thống máy xay xát lúa gạo liên hoàn công suất 1,4 tấn gạo/giờ, bao gồm máy xay lức (bóc vỏ trấu), bộ đài đôi tời lúa gạo, máy chà trắng gạo, sàn tách thóc cao chân và máy lọc sạn. Trong đó, nguồn vốn KC địa phương hỗ trợ 92 triệu đồng. Cùng với trang bị máy, cơ sở đầu tư thêm gần 100 triệu đồng xây dựng nhà xưởng, nhà chứa trú và hệ thống phòng cháy chữa cháy.

Theo chủ cơ sở, ông Hoàng Đình Lâm, sau khi đưa máy xay xát do nguồn vốn KC hỗ trợ gần 50% kinh phí, hiện công suất máy khá lớn nên đáp ứng nhu cầu xay lúa gạo cho bà con trên địa bàn và xay gạo để cung ứng ra thị trường với công suất khoảng 5 tấn gạo/ngày. Do máy thiết kế liên hoàn, các công đoạn xay đều tự động theo quy trình cài đặt sẵn nên nhân công giảm, trong khi lượng điện tiêu thụ ít giúp cơ sở giảm chi phí, cạnh tranh được với các sản phẩm trên thị trường. 

Thời gian qua, từ nguồn vốn KC địa phương, Trung tâm KC & Xúc tiến thương mại ưu tiên hỗ trợ đầu tư máy móc thiết bị tiên tiến nhằm khuyến khích các cơ sở thay đổi thiết bị công suất nhỏ, lạc hậu sang đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Trong đó, mỗi năm hỗ trợ khoảng 10 đề án đầu tư máy móc thiết bị hiện đại, bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động sản xuất, kinh doanh với tổng kinh phí khoảng 1,5 tỷ đồng, góp phần giúp các cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng và hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh trên thị trường.

Theo Giám đốc Sở Công thương, ông Nguyễn Thanh, để nguồn vốn KC phát huy hiệu quả, sắp tới sở chỉ đạo Trung tâm KC & Xúc tiến thương mại và các đơn vị liên quan tiếp tục bám sát cơ sở, nắm bắt tiến độ thực hiện đề án; đồng thời phối hợp với cơ sở thụ hưởng hoàn thành các đề án theo đúng kế hoạch, nội dung. Bên cạnh đó, trung tâm đồng hành, hướng dẫn cho các doanh nghiệp về pháp luật, khởi sự doanh nghiệp, kỹ thuật công nghệ và công tác xúc tiến kết nối thị trường để sản phẩm do các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đủ sức cạnh tranh để vươn ra thị trường lớn.

Bài, ảnh: Thanh Hương