Một khu trọ của người lao động ở xã Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). Ảnh: Tất Thảo
Người lao động sẽ được hỗ trợ tối đa 3 tháng
Dự thảo đưa ra 2 đối tượng nhận hỗ trợ, gồm người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp và người lao động trở lại thị trường lao động; giữa 2 đối tượng này có sự chênh lệch về mức hỗ trợ. Trong đó, mức hỗ trợ đối với người lao động đang làm việc là 500.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng); mức hỗ trợ đối với người lao động quay trở lại thị trường lao động là 1.000.000 đồng/người/tháng (tối đa 3 tháng).
Để phân tách, xác định cụ thể 2 đối tượng hỗ trợ trên, dự thảo Quyết định căn cứ vào mốc thời gian giao kết và thực hiện hợp đồng lao động là ngày 1/3.
Dự thảo Quyết định này xác định phạm vi hỗ trợ người lao động có quan hệ lao động, đang ở thuê, ở trọ, làm việc trong các khu vực: Khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập theo quy định tại Nghị định số 82/2018/NĐ-CP ngày 22.5.2018 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế; Khu vực kinh tế trọng điểm, gồm Khu kinh tế được thành lập, hoạt động theo quy định của Nghị định số 82/2018/NĐ-CP và 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc 4 vùng kinh tế trọng điểm được quy hoạch, thành lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Về điều kiện hỗ trợ mức 500.000 đồng/người/tháng nếu đủ 3 điều kiện sau: Đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1.3 đến ngày 30.6.2022; Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trước ngày 1.3.2022; Đang làm việc trong các doanh nghiệp (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội, trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp).
Với mức nhận hỗ trợ tiền thuê nhà 1.000.000 đồng/người/tháng nếu đủ 3 điều kiện sau: Đang ở thuê, ở trọ trong khoảng thời gian từ ngày 1.3 đến ngày 30.6.2022; Có hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên được giao kết và thực hiện trong khoảng thời gian từ ngày 1.3 đến ngày 30.6.2022, trừ trường hợp giao kết hợp đồng lao động theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Bộ luật Lao động; Đang làm việc trong các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh (có tên trong danh sách tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc của cơ quan bảo hiểm xã hội, trường hợp không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người mới tuyển dụng lao động thì phải có tên trong danh sách trả lương của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh).
Thủ tục nhanh gọn
Về hồ sơ để người lao động nhận được hỗ trợ gồm: Danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ. Trường hợp trong danh sách đề nghị hỗ trợ có người lao động không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, người mới được tuyển dụng thì bổ sung thêm danh sách trả lương của tháng liền kề trước thời điểm đề nghị.
Trình tự, thủ tục: Thời gian thực hiện chủ yếu tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, thời gian từ lúc Ủy ban nhân dân cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đến khi Ủy ban nhân dân tỉnh ra quyết định hỗ trợ và chi trả cho người lao động là 4 ngày.
Trình tự, thủ tục cụ thể như sau: Người sử dụng lao động tổng hợp danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ trên cơ sở đơn đề nghị của người lao động có xác nhận của chủ cơ sở cho thuê, cho trọ. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm về tính chính xác về quan hệ lao động, đang làm việc thực tế tại doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh của người lao động.
Sau đó, người sử dụng lao động gửi cơ quan bảo hiểm xã hội để xác nhận thông tin về người lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội (thời gian xử lý của cơ quan bảo hiểm xã hội là 2 ngày). Người sử dụng lao động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ (danh sách người lao động đề nghị hỗ trợ) gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện để thẩm định trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quyết định (thời gian xử lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện là 2 ngày).
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét và phê duyệt đối tượng, kinh phí hỗ trợ và chỉ đạo thực hiện chi trả hỗ trợ. Người sử dụng lao động chi trả trực tiếp cho người lao động trong vòng 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kinh phí hỗ trợ.
Tiền thuê trọ - gánh nặng của người lao động Công nhân tỉnh lẻ hầu như không có khả năng mua nhà khi chi phí phòng trọ, nuôi con, sinh hoạt đã khiến họ không còn tích lũy. Họ phải chấp nhận ở thuê trong các phòng trọ chật chội, xuống cấp để tiết kiệm chi phí. Gia đình chị Hoàng Thị Hải (28 tuổi, quê Vĩnh Phúc) gồm 4 người sống chen chúc trong căn phòng 15m2 bày la liệt đồ đạc. Làm công nhân 7 năm nay, tổng thu nhập của chị Hải ở mức 7 triệu đồng/tháng. Chồng chị làm công nhân lâu năm nên lương khá hơn chút, khoảng 10 triệu đồng/tháng. Thời gian mới sinh con thứ 2, mẹ chị Hải từ quê lên chăm cháu nên chị phải thuê 2 phòng trọ liền kề, mỗi phòng giá 500.000 đồng/tháng. Khi con đi gửi trẻ, mẹ chị về quê, gia đình chị cũng chuyển phòng trọ rộng hơn, có gác xép giá 1,2 triệu đồng/tháng. Nếu được tăng ca đều đặn, tổng thu của vợ chồng công nhân dao động 17-18 triệu đồng mỗi tháng. Chị Hải cho biết, số tiền này ở quê nghe có vẻ nhiều nhưng sống ở thành phố, vợ chồng công nhân chẳng dám ăn ngon, mặc đẹp mới để ra được ít tiền. “Riêng tiền thuê trọ (bao gồm điện, nước) đã gần 2 triệu đồng. Chưa kể tiền ăn uống 4 triệu đồng/tháng; tiền học của con; bỉm sữa; tiền hiếu, hỉ,…” - chị Hải liệt kê. Với người mẹ 2 con này, tiền thuê trọ là khoản tiền nặng gánh nhất với công nhân tỉnh lẻ. “Vừa là tiền cố định, vừa không phải nhà của mình nên mỗi tháng đóng tiền thuê nhà trọ tôi xót lắm” - chị Hải nói. Nhưng vì lương công “ráo mồ hôi đã hết tiền”, vợ chồng chị Hải không dám mơ mua đất, cất nhà ở đây. Hỗ trợ phải công bằng Ông Nguyễn Văn Tân - Chủ tịch CĐCS Công ty Hosiden (tỉnh Bắc Giang) - cho biết, đối với người lao động, được hỗ trợ tiền thuê nhà ngày nào hay ngày đấy, mức nào hay mức đấy. Mức hỗ trợ theo như dự thảo là gần đủ 1 tháng tiền thuê nhà của người lao động, nên rất có ý nghĩa. Tuy nhiên, việc triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà này phải bàn cho kỹ, làm sao cho công bằng, tính toán đến các yếu tố, ví dụ thời hạn thuê nhà tính từ thời điểm nào (quá khứ hay hiện tại). Hiện tại, số lượng công nhân lao động thuê trọ là rất nhiều, liệu quỹ có đảm bảo chi trả hay không? Nếu không đảm bảo cho tất cả người đi thuê trọ thì phải có thứ tự ưu tiên như thế nào, ví dụ đối tượng có sổ hộ nghèo, cận nghèo, hoặc có thân nhân ruột thịt bị bệnh hiểm nghèo… Những đối tượng như vậy có thể được ưu tiên hỗ trợ trước; còn những trường hợp khoẻ mạnh, nếu quỹ đảm bảo, hỗ trợ được thì tốt, nếu không thì hỗ trợ sau Ông Nguyễn Văn Tân cho rằng, thủ tục nhận hỗ trợ chỉ cần giấy xác nhận đang làm việc tại doanh nghiệp; hợp đồng thuê trọ; giấy tờ chứng minh là đối tượng là hộ nghèo (trong trường hợp hỗ trợ ưu tiên theo thứ tự trước). Ông Nguyễn Văn Tân cũng bày tỏ băn khoăn trước quy định về đối tượng người lao động trở lại thị trường lao động, bởi thực tế, có trường hợp người lao động “nhảy việc” từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, bản chất họ vẫn là người lao động, vẫn tham gia thị trường lao động. Theo Chủ tịch CĐCS Công ty Hosiden, công ty có tổng cộng hơn 5.000 công nhân lao động, trong đó có khoảng 30% đang thuê trọ tại gần công ty. Quế Chi - Minh Phương |
Theo laodong.vn