Vừa bật bếp ga nấu bữa trưa cho gia đình, chị Nguyễn Thị Quỳnh (phường Xuân Phú, TP. Huế) nửa đùa, nửa thật bảo rằng, chưa khi nào phải dè chừng trước cơn bão giá hiện nay. Từ đầu năm đến nay, giá gas tăng liên tục khiến gia đình chị phải chi thêm một khoản để phục vụ sinh hoạt cho gia đình. Chị kể, ngoài các khoản chi phí cần trang trải như tiền điện, nước, học phí cho con… như thường lệ đã vô cùng áp lực thì nay giá gas và xăng tăng đã khiến cuộc sống gia đình bị ảnh hưởng.
Theo chị, vì gia đình có con nhỏ nên việc nấu nướng trong ngày diễn ra nhiều lần, mất thời gian, vì thế mỗi tháng dùng hết khoảng 1 bình gas 12kg. “Mới ngày nào đó, giá bình gas chỉ trên 400.000 đồng thì nay đã vượt mốc trên 500.000 đồng, với đà tăng này đôi khi phải tính toán lại”, chị Quỳnh nói và cho biết thêm, từng tính tới phương án mua bếp điện thay thế, nhưng thời điểm này để chi thêm một khoản là chuyện vô cùng khó khăn. Trước những áp lực như thế, chị Quỳnh chủ động tiết kiệm bằng cách đi chợ và mua những thực phẩm chế biến sẵn, nấu nhanh chín.
Tương tự, chị Hoàng Thị Kiêm (huyện Phú Vang) cho hay, chưa khi nào giá gas tăng mạnh như thời điểm hiện tại. Dù đã bỏ bếp củi truyền thống khá lâu, nhưng nay người phụ nữ nội trợ này đã quyết định nấu bếp củi trở lại để tiết kiệm chi phí khi giá gas tăng cao. “Vẫn biết bếp củi sẽ vất vả hơn, mất thời gian hơn nhưng đây là cách tiết kiệm chi tiêu hiệu quả nhất vào lúc này”, chị Kiêm trải lòng.
Với tình hình giá gas có thể tăng tiếp trong thời gian tới, chị Kiêm nói sẽ ứng phó bằng cách nấu bếp củi kéo dài để cầm cự, cắt giảm chi tiêu để tiền lo việc khác, thậm chí có thể mua bếp điện để nấu. “Tính ra nếu giá gas tăng như thế, nấu bếp điện thay cho gas vào thời điểm này cũng hợp lý”, chị Kiêm nhìn nhận dù chưa đưa ra quyết định cuối cùng.
Giá gas, xăng tăng khiến các mặt hàng ở chợ cũng ít nhiều tăng theo khiến nhiều bà nội trợ cũng chật vật tính toán chi li, sao cho phù hợp với bữa cơm gia đình. Hầu hết các mặt hàng thông dụng như rau, củ, quả, thịt, cá… tăng giá rõ rệt. Nhiều người cho rằng, dù mức tăng chưa cao nhưng nhiều món cộng lại cũng đã khiến mức chi tiêu thay đổi rõ rệt. “Tùy theo bữa ăn và chi tiêu của mỗi gia đình, nhưng với sự biến động của giá nhiên liệu như hiện tại, mọi thứ đã nhích lên theo. Việc này đồng nghĩa là số tiền bỏ ra để lo cho mỗi bữa ăn của gia đình cũng tăng lên”, chị Nguyễn Thị Thảo (TP. Huế) chia sẻ. Theo chị Thảo, thường ngày chị phải chi ra gần 200.000 đồng để đi chợ cho cả nhà, thì nay cũng chừng ấy thực phẩm nhưng giá đã nhỉnh hơn từ 30.000 – 50.000 đồng.
Không riêng gì những bà nội trợ, những người chạy xe ôm mưu sinh thường ngày cũng phải đối mặt với “cú sốc” tăng giá xăng, ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập của nghề. “Ngày trước đổ 80.000 đồng là đầy bình rồi, giờ cũng chừng đó tiền nhưng chưa được nửa bình”, ông Nguyễn Trực – một người chạy xe thồ chỉ vào chiếc xe vừa đổ bình xăng sau những ngày xăng tăng giá, có lúc lên mức kỷ lục gần 30.000 đồng/lít. Xăng tăng giá nhưng giá mỗi cuốc xe thồ của ông Trực đến thời điểm này vẫn chưa thể tăng giá. Ông kêu có mấy lần đề nghị khách hàng để tăng giá, nhưng nhiều người không chịu và có ý định kêu người khác chạy, có khách quen vì thương tình thì đưa thêm ông 5.000 – 10.000 đồng/cuốc hàng.
Bài, ảnh: NHẬT MINH