Doanh nghiệp dệt may hoạt động trong trạng thái bình thường mới
Với Bình Dương, đây là khu công nghiệp VSIP thứ 3 trong tổng số 11 khu công nghiệp VSIP trong cả nước. Dự án có quy mô trên 1.000ha, tổng vốn đầu tư hơn 6.400 tỷ đồng cũng đồng thời cho thấy hiệu quả của Bình Dương trong thu hút đầu tư, cũng như thu hút một lượng lớn lực lượng lao động trên địa bàn cả nước. Tham khảo thông tin xung quanh lĩnh vực này ở Bình Dương, chúng tôi nhận thấy điều đáng quan tâm là địa phương này đã sớm chọn hướng đi khi thu hút đầu tư vào công nghệ cao; chú trọng các lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động dựa trên việc ứng dụng công nghệ hiện đại và tiên tiến.
Theo tuoitre.vn, phát triển VSIP III thành một trong những khu công nghiệp thông minh, xanh, bền vững của cả nước với các nhà máy năng lượng mặt trời công suất lớn, cung cấp nguồn năng lượng tái tạo tại chỗ cho các nhà máy, đồng thời góp phần thực hiện mục tiêu trung hòa carbon là định hướng của chủ đầu tư (bao gồm liên doanh các doanh nghiệp của Singapore và Việt Nam). Đây cũng là tiêu chí để xây dựng và hình thành các khu công nghiệp xanh và bền vững với việc quan tâm đến quy hoạch phát triển đồng bộ, đồng thời gắn phát triển sản xuất với đô thị, dịch vụ và nhà ở xã hội cho người lao động.
Sở dĩ chúng tôi đề cập đến việc xây dựng và phát triển các khu công nghiệp theo tiêu chí xanh vì đó là xu thế của thời đại. Khi người tiêu dùng ý thức hơn về các sản phẩm mình sử dụng, họ sẽ quan tâm hơn đến nguồn gốc xuất xứ của các sản phẩm, nhãn hàng và đặc biệt lưu ý đến tính thân thiện, không (hoặc ít) gây tác động đến thiên nhiên; cả việc đối xử/phúc lợi cho người lao động. Trong xu hướng này, các nhãn hàng thời trang và may mặc lớn trên thế giới cũng đã cam kết ưu tiên đơn hàng cho các nhà sản xuất đáp ứng được các tiêu chí trên. Đây là thông tin được đưa ra tại một hội thảo về năng lượng tái tạo – nguồn năng lượng sạch và bền vững cho ngành dệt may Việt Nam do Hiệp hội Dệt may Việt Nam tổ chức vào ngày 18/3. Chậm chân và không bắt kịp với xu thế, các doanh nghiệp sẽ đặt mình vào thế yếu trong cạnh tranh.
Thông tin đáng tham khảo khác từ tuyengiao.vn cho thấy, các chất thải rắn công nghiệp thông thường phát sinh hàng năm khoảng 25 triệu tấn, nhiều nhất tại các khu vực có hoạt động công nghiệp phát triển mạnh. Nếu tìm hiểu thêm về các nguồn xả thải khác từ nước thải, hóa chất công nghiệp… con số sẽ khác hơn rất nhiều và có lẽ, đó là tham số đáng suy nghĩ. Liên quan đến vấn đề này, mới đây, UBND tỉnh đã xử phạt hành chính 270 triệu đồng đối với Công ty cổ phần Dệt may Huế do không lưu giữ chất thải rắn công nghiệp thông thường theo quy định, xả nước thải vượt quy chuẩn vào môi trường…
Có lẽ, đây cũng là lần nhắc nhở (trong nhiều lần nhắc nhở khác) đối với Dệt may Huế cũng như nhiều doanh nghiệp đã có vi phạm. Trong định hướng phát triển lâu dài, tiêu chí xanh chắc chắn phải được đặt ra để bền vững và lâu dài hơn. Việc rà soát, định hướng, điều chỉnh và thay đổi trong đầu tư và phương thức sản xuất chắc chắn sẽ phải được đặt ra trong lộ trình dần từng bước để hướng tới xanh - bền vững. Có lẽ, đây cũng là điều không thể chậm được nữa vì nếu không, các doanh nghiệp sẽ mất cơ hội của mình.
MINH HÀ