Rừng thông ở lăng Minh Mạng
Tại Huế, và cả ở nhiều nơi khác nữa, chốn lăng tẩm, đình, chùa, miếu, điện thường thấy được trồng rất nhiều thông. Tại sao thông lại được chọn trồng nhiều? Có lẽ đơn giản và dễ hiểu trước tiên là bởi thông là loài cây có dáng thế đẹp, tuổi thọ bền lâu và xanh tươi quanh năm cho dù có gặp tiết trời cực đoan khắc nghiệt, hạn hán tuyết sa cỡ nào cũng vậy.
Trong văn hóa, triết lý phương Đông, cây thông (hay “tùng” trong tiếng Hán) tượng trưng cho tính cách cao quý, thanh tao, cương cường của bậc chính nhân quân tử. Nguyễn Công Trứ từng mơ: Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo. Và trước đó nữa, danh thần triều Hậu Lê Nguyễn Trãi cũng từng tụng ca đức hạnh của loài thông qua bài thơ “Tùng” :
… Một mình lạt thuở ba đông./ Lâm tuyền ai rặng già làm khách? Tài đống lương cao ắt cả dùng !... Đống lương tài có mấy bằng mày?/Nhà cả đòi phen chống khỏe thay./Cội rễ bền, dời chẳng động,/… Hổ phách, phục linh nhìn mấy biết,/Dành còn để trợ dân này.
Bóng thông nơi đồi Vọng Cảnh
Huế có nhiều cánh rừng thông nổi tiếng, gắn với bề dày lịch sử văn hóa của vùng đất Cố đô. Trong đó, hẳn rất nhiều người đã nghe danh rừng thông Nam Giao song hành với mỹ tục của nhà Nguyễn. Đó là, mỗi dịp tế Nam Giao, nhà vua cùng các hoàng thân quốc thích, các quan văn võ cao cấp trong triều đều tự tay trồng thông trong khuôn viên đàn. Các mệnh quan triều đình được thăng chức sau khi đến bái mạng nhậm chức đều phải lên Nam Giao tự tay trồng một cây thông, xem như một đặc ân vinh dự lớn và thiêng liêng của mình. Bên cạnh rừng thông Nam Giao, Huế còn có rừng thông Ngự Bình rất nổi tiếng và cũng khá “long đong”; rừng thông Vọng Cảnh được phục hồi mới khoảng hai chục năm sau này nhưng đã nhanh chóng vươn mình khép tán, trở thành một điểm nhấn tuyệt vời duyên dáng bên dòng sông Hương huyền thoại. Và nữa, đó là rừng thông Thiên An, rừng thông Từ Hiếu, rừng thông Thiên Thai - Ngũ Phong, rừng thông ở các lăng vua với những cội thông già trăm năm tuổi…
Màu xanh và tiếng nhạc thông, dáng thế thanh cao, hằn in dấu vết tháng năm của những cội thông già đã vỗ về, ấp iu và bội phần tôn lên vẻ đẹp của những cổ tích thấp thoáng lẩn khuất dưới những tàng xanh lá… Thật khó hình dung nếu đến một ngày nào đó những cổ tích này bỗng chỉ còn lơ thơ, hoặc tệ hơn nữa là trụi trơ không còn bóng thông. Chắc là hẫng hụt và buồn lắm.
Một diện tích rừng thông ở đồi Từ Hiếu bị cháy, trong đó nhiều cây đến bây giờ đã có dấu hiệu bong tróc vỏ và chết hẳn
Vậy nên, hễ nghe một đám cháy rừng, hay thấy một gốc thông bị bức tử, bị đốn hạ để nhường chỗ cho một công trình nào đấy mọc lên, lòng tôi lại thấy bồn chồn, thảng thốt rất khó tả. Tiếc là tình trạng bất cẩn dẫn đến cháy rừng, thậm chí cả nạn cố tình xâm hại rừng thông vẫn không thôi tái diễn. Thỉnh thoảng đi ngang Ngự Bình, lên Vọng Cảnh, qua Từ Hiếu… vết tích và hậu quả của những vụ cháy vẫn còn mồn một. Lại càng buồn hơn khi nhận ra, có những diện tích, có những cội thông đã vĩnh viễn không bao giờ còn có thể tái sinh được nữa!...
Ra Giêng có dịp dẫn mấy người bạn phương xa về Huế đi vãng cảnh. Ai cũng xuýt xoa khi thấy ở một vài nơi phong cảnh rừng thông xứ Huế nhìn không thua chi Đà Lạt. Trong nhóm bạn, có người bỗng cứ đứng tần ngần bên những gốc thông già và nói như độc thoại: Phải cả trăm, vài trăm năm mới có được những cây thông như thế này. Người xưa ươm trồng, gìn giữ, con cháu chúng mình bây giờ được hưởng. Nhưng vài trăm năm nữa thì sao, nếu bây giờ mình không làm gì cả…
Bạn nói làm tôi giật mình. Tuổi thọ của thông tính đơn vị có thể lên tới hàng trăm năm. Nhưng dù có lâu bao nhiêu chăng nữa thì cũng đến lúc cây cũng phải lụi tàn theo quy luật của tạo hóa. Lúc ấy, cái gì sẽ thế chỗ, hay đành mặc các công trình cổ tích chơ vơ giữa trống trải đất trời? Nỗi băn khoăn này tôi cũng đã có lần đặt ra trong một vài cuộc đối ẩm cùng một số người thân quen. Ai cũng cười bảo tôi “lo bò trắng răng”; rằng thông sẽ phát tán hạt, rồi sẽ có các lớp cây kế thừa. Thì lý thuyết đúng là như thế. Nhưng có lẽ nó chỉ đúng với những cánh rừng xa, ở cheo leo đồi cao núi thẳm, chứ với những rừng thông nơi một số chùa hay công trình cổ tích nay đã “ở chung” trong khu dân cư hay giữa lòng phố thị, tôi quan sát hoài mà rất hiếm thấy bóng dáng thông con? Vậy nên, nếu từ bây giờ mà không chủ động, thiếu sự quan tâm trồng dặm, trồng thêm để thay và thay dần những cây, những diện tích thông bị hư hại, bị cháy, bị đốn hạ… thì trăm năm sau, cái “lơ thơ, hoặc tệ hơn nữa là trụi trơ bóng thông” nơi các di tích sẽ hiện hữu với lớp hậu thế. Và đó chính là cái tội, cái đáng trách của lớp tiền bối chúng ta bây giờ.
Bài, ảnh: HÀN YÊN