Theo UNCTAD, tăng trưởng kinh tế toàn cầu dự kiến giảm từ 3,6% xuống còn 2,6% trong năm nay. Ảnh minh hoạ: AFP/TTXVN
Cơ quan thương mại và phát triển của LHQ đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2022 xuống còn 2,6% từ mức 3,6% được đưa ra hồi tháng 9 năm ngoái, do những tác động từ khủng hoảng Ukraine và những thay đổi trong chính sách kinh tế vĩ mô của các nước những tháng gần đây.
Trong bản báo cáo cập nhật vừa công bố hôm qua (24/3), UNCTAD cho rằng mặc dù Nga sẽ trải qua một cuộc suy thoái sâu trong năm nay, nhưng tốc độ tăng trưởng dự kiến sẽ chậm lại đáng kể ở các khu vực Tây Âu và Trung Á, Nam Á và Đông Nam Á.
“Nhiều quốc gia đang phát triển đã phải vật lộn để có thể thoát khỏi cuộc suy thoái COVID-19 và hiện đang phải đối mặt với những “cơn gió mạnh” từ xung đột. Cho dù điều này có dẫn đến tình trạng bất ổn hay không, thì sự lo lắng sâu sắc trong xã hội cũng đã và đang lan rộng”, Tổng thư ký UNCTAD Rebeca Grynspan cho biết.
Giá cả tăng vọt và tỷ giá hối đoái bất ổn
Xung đột đã làm gia tăng áp lực lên giá năng lượng và hàng hóa quốc tế, kéo giãn ngân sách hộ gia đình và tăng thêm chi phí sản xuất, trong khi gián đoạn thương mại và ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt có thể sẽ ảnh hưởng đến đầu tư dài hạn.
Ngay cả khi những gián đoạn do đại dịch gây ra dường như đang lắng xuống, cuộc khủng hoảng địa chính trị tiếp tục giáng một đòn mạnh vào niềm tin trong nước. Giá lương thực và nhiên liệu tăng cao sẽ ảnh hưởng ngay lập tức đến những người dễ bị tổn thương nhất ở các nước đang phát triển, dẫn đến đói nghèo và khó khăn cho các hộ gia đình vốn phải vật lộn để kiếm ăn.
Cũng theo báo cáo của UNCTAD, vấn đề ngày càng được quan tâm là những bất ổn do xung đột gây ra ở các thị trường quốc tế quan trọng, bao gồm môi trường dòng vốn biến động, tỷ giá hối đoái bất ổn và chi phí đi vay gia tăng, đặc biệt là đối với các nước kém phát triển và các nước có thu nhập trung bình, với nguy cơ khó thanh toán nợ nước ngoài.
Kêu gọi các biện pháp khẩn cấp
Trước bối cảnh đó, Tổng thư ký UNCTAD Grynspan kêu gọi “các biện pháp khẩn cấp từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB)”, cụ thể là kích hoạt các công cụ tài trợ nhanh chóng mà IMF có thể cung cấp để giúp các quốc gia đang gặp vấn đề về cán cân thanh toán.
Ngay cả những quốc gia tương đối giàu có đang phải vật lộn với nhiều áp lực về chi phí sinh hoạt, cũng đã tìm kiếm sự trợ giúp từ các hệ thống quốc tế để duy trì sự tồn tại. Nhưng đáng chú ý hơn cả, chính các quốc gia nghèo nhất, phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi suy thoái kinh tế toàn cầu, UNCTAD nhấn mạnh.
Bà Grynspan cho biết: “Các nước đang phát triển đang phải gánh chịu những gánh nặng do giá lương thực, năng lượng và phân bón tăng rất cao, cũng như sự căng thẳng tài chính mà các nước này phải đối mặt”.
Theo đó, UNCTAD đưa ra các khuyến nghị chính sách, bao gồm nhu cầu cải cách tài chính toàn cầu để tạo điều kiện cho các nước đang phát triển có không gian kinh tế “tăng trưởng hợp lý”, đồng thời, kêu gọi hỗ trợ tài chính đa phương lớn hơn, ưu đãi hơn và ít có điều kiện hơn cho các nước đang phát triển để giúp các nước này có thể chống chọi với các cú sốc kinh tế và tài chính, cũng như tăng cường đầu tư để hỗ trợ tăng trưởng. UNCTAD cũng khuyến nghị các tổ chức và định chế tài chính sử dụng Quyền rút vốn đặc biệt (SDR) nhiều hơn để bổ sung dự trữ chính thức và cung cấp thanh khoản kịp thời, nhằm tránh các điều chỉnh giảm phát nghiêm trọng.
Tố Quyên (Lược dịch từ Reuters & Dailymail)