Sử dụng không đúng, thiết bị điện tử sẽ gây hại cho trẻ em. Ảnh minh họa: VTV News

Thời gian sử dụng tăng

Cụ thể, cuộc khảo sát được tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Common Sense Media công bố cho thấy, việc dành thời gian ngồi trước màn hình của thanh thiếu niên và nữ sinh đã tăng 17% từ năm 2019 – 2021, nhanh hơn so với 4 năm trước đó. Trung bình, việc sử dụng điện thoại và các thiết bị điện tử ở lứa tuổi thanh thiếu niên 8-12 tuổi đã tăng từ 4h44p lên thành 5h33p và từ 7h22p lên thành 8h39p đối với thanh thiếu niên lứa 13 – 18 tuổi.

Các chuyên gia cho biết, sự gia tăng này rất có thể là sự phản ánh về những khó khăn mà các gia đình phải đối mặt và chịu đựng trước nhiều yếu tố như trường học, chăm sóc trẻ em, giao tiếp xã hội hạn chế trong thời kỳ đại dịch. Mối quan tâm đặc biệt của những người khảo sát về thời gian sử dụng các thiết bị là sự gia tăng trong thời gian sử dụng mạng xã hội ở trẻ em từ 8-12 tuổi, trên các nền tảng như Instagram, Snapchat và Facebook, bất chấp những nền tảng này yêu cầu người dùng phải từ 13 tuổi trở lên.

Diana Graber, người sáng lập Cyberwise, một trang web dành cho người lớn, với mục tiêu hỗ trợ những người trẻ tuổi sử dụng công nghệ một cách an toàn nhận xét: “Những phát hiện này không làm tôi ngạc nhiên”, bởi trong thời đại dịch, trẻ em sử dụng thiết bị điện tử để giải trí và kết nối với bạn bè do nhiều em không thể đến trường học hoặc có những tương tác trực tiếp với các bạn khác.

Tuy nhiên, số lượng lớn trẻ em sử dụng mạng xã hội khi chúng còn quá nhỏ là con số đáng lo ngại, bởi những ứng dụng kể trên không được thiết kế cho đối tượng này.

Mặc dù việc sử dụng công nghệ ngày càng tăng, song những gia đình có trẻ em sử dụng thiết bị điện tử nhiều nhất là các gia đình có thu nhập thấp và trẻ em da màu, bởi họ là những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch. Điều này được lý giải rằng những đứa trẻ có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nặng nề hơn bởi trường học đóng cửa và có thể trong thời gian đại dịch, các em có ít hoạt động sau giờ học hơn nên chúng thường dành thời gian ở nhà và sử dụng các thiết bị nhiều hơn. Cùng lúc, những người lao động lương thấp cũng có nhiều khả năng phải đi kiếm việc làm nhiều hơn, do đó càng ít thời gian để bên cạnh các con, tức con cái họ có khả năng “bị bỏ rơi với các thiết bị điện tử của riêng mình”.

Bất chấp một số ý kiến cho rằng có thể việc trẻ em dành nhiều thời gian trên màn hình để kết nối với bạn bè trong thời kỳ đại dịch có thể là một điều tốt, song kết quả của một cuộc khảo sát mới, thăm dò ý kiến của 1.306 người từ 8 – 18 tuổi cho thấy, sử dùng điện thoại, máy tính... để kết nối với bạn bè cùng trang lứa không phải là mục tiêu chủ yếu của trẻ. Cụ thể, thanh thiếu niên dành trung bình hơn 3h/ngày để xem các video hoặc TV và gần 2h/ngày để chơi game, nhưng thời gian dành cho việc giao tiếp với bạn bè chỉ dừng ở mức 20p/ngày.

Những hệ quả khôn lường và vai trò của phụ huynh

Bà Diana Graber bày tỏ sự lo lắng rằng trẻ em dưới 13 tuổi đang sử dụng mạng xã hội quá nhiều. Cùng chung ý kiến, Tiến sĩ Devorah Heitner cho biết thêm, trẻ em có thể vô tình xem các nội dung khiêu dâm, hình ảnh tự làm hại bản thân, hoặc các bài đăng quảng cáo có hại.

Một mối quan tâm khác là trẻ có thể rơi vào “cái hố của thông tin sai lệch”. Với khả năng phân biệt đúng sai chưa đủ, các em có thể có nhìn nhận sai về thế giới.

Để giải quyết vấn đề này, phụ huynh đóng một vai trò rất lớn. Đơn cử, cha mẹ có thể cùng thảo luận với các con và lập ra một thỏa thuận công nghệ, phác thảo các chi tiết khác nhau bao gồm thời gian và địa điểm mà trẻ được dùng thiết bị điện tử. Chẳng hạn, trẻ chỉ có thể xem YouTube khi có cha mẹ ở cùng.

Quan trọng nhất, các bậc phụ huynh cần phải thường xuyên trò chuyện với các con về các phương tiện truyền thông xã hội, như tìm hiểu xem các con thường sử dụng các nền tảng nào và thấy thú vị ở những tệp nội dung nào...

Bất cứ khi nào có thể, các cha mẹ có thể cùng theo dõi nội dung trên thiết bị điện tử với các con. Hãy đặt câu hỏi, bày tỏ sự tò mò muốn khám phá cùng các con, nhưng đảm bảo không phán xét. Điều này tương tự như trông chừng các con ở góc đường hoặc trong công viên, nay họ có thể trông chừng các con trên mạng, bà Diana Graber khẳng định.

Đan Lê (Lược dịch từ CNA)