Xăng, gas tăng giá, mặt hàng bếp điện đang được các bà nội trợ lựa chọn để thay thế bếp gas. Ảnh: MC

Tại phiên họp thứ 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/3, trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên đã báo cáo về một số nội dung liên quan tới hoạt động điều hành, quản lý đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước. Liên quan đến giải pháp kéo giảm giá xăng dầu, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề xuất Bộ Tài chính rà soát và tính toán lại các mức chi phí trong cơ cấu tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu. Chẳng hạn như mức chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam và các loại thuế, nhất là thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt cho phù hợp, nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các chủ thể tham gia thị trường xăng dầu.

Theo trang thuvienphapluat.vn, kết cấu trong 1 lít xăng dầu có 38% là các loại thuế, gồm bốn loại thuế chính: thuế giá trị gia tăng (10%), thuế nhập khẩu (10%), thuế tiêu thụ đặc biệt (7-10%) và thuế bảo vệ môi trường (1.000đ – 4.000đ/lít). Ngoài ra, một lít xăng bán ra còn gánh thêm lợi nhuận định mức, chi phí định mức và tùy theo còn phải trích vào quỹ bình ổn giá xăng dầu (được điều chỉnh linh hoạt theo từng đợt).

Đối với thuế giá trị gia tăng và thuế nhập khẩu thì không có gì để nói vì nó quá hợp lý rồi. Song, thuế tiêu thụ đặc biệt áp vào giá xăng dầu có hợp lý hay không? Thuế tiêu thụ đặc biệt có thể hiểu là loại thuế áp vào những mặt hàng xa xỉ ví như nước hoa hay xì gà chẳng hạn thì không có gì để bàn, nhưng xăng dầu là một loại mặt hàng phổ thông ai cũng phải sử dụng, người giàu hay người nghèo đều cần, tối thiểu nhất người Việt Nam cũng có một chiếc xe máy để phục vụ nhu cầu đi lại. Vậy tại sao lại áp một loại thuế tiêu thụ đặc biệt lên một mặt hàng thiết yếu như thế này?

Còn đối với thuế bảo vệ môi trường? Việc Bộ Tài chính vừa đề xuất giảm thuế từ 4.000đ/lít xuống 2.000đ/lít xăng áp dụng từ ngày 1/4/2022 xem như Nhà nước thấu hiểu, chia sẻ với người dân và doanh nghiệp. Với hướng này, nếu Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, lắng nghe, xem xét điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt cũng như các loại thuế, phí mà mỗi lít xăng dầu đang phải "cõng" trên nó về mức phù hợp thì sẽ giúp người dân giảm bớt khó khăn một cách rất thiết thực để có thể vươn lên sau một thời gian dài dịch bệnh hoành hành.

Nhật Nam

(Khoa Báo chí - Trường ĐHKH Huế)