Đồng chí Lê Văn Lương tại lễ công bố Quyết định thành lập Nhà xuất bản Hà Nội, ngày 24/11/1979. Ảnh: Tư liệu

Sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học tại thôn Xuân Cầu, xã Nghĩa Trụ, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên, sớm giác ngộ cách mạng, 15 tuổi (1927), đồng chí Lê Văn Lương gia nhập Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội (tổ chức tiền thân của Đảng); 17 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương; 19 tuổi bị chính quyền thực dân Pháp bắt giam, kết án tử hình. Dưới sức ép phong trào đấu tranh của các lực lượng yêu nước và tiến bộ trong nước cũng như trên thế giới, buộc giặc phải giảm án cho đồng chí xuống chung thân và đày ra Côn Đảo.

Tại đây, là một trong những hạt nhân lãnh đạo, đồng chí đã đề ra nhiệm vụ đoàn kết bạn tù, tổ chức đấu tranh giành quyền sống, biên soạn tài liệu, tuyên truyền, giáo dục, biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.

Cuối năm 1948, được Bộ Chính trị và Bác Hồ phân công thay đồng chí Lê Đức Thọ làm Trưởng ban Đảng vụ, đồng chí có nhiều đóng góp vào thành công chung của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, tham mưu, giúp Trung ương, Bộ Chính trị chuẩn bị tổ chức Đại hội, soạn thảo điều lệ mới, chuẩn bị nhân sự ứng cử vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Cũng trong thời kỳ này, đồng chí tham mưu mở cuộc vận động chỉnh đốn tổ chức, chú trọng công tác giáo dục nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên.

Sớm nhận thấy sự cần thiết phải xây dựng Đảng vững mạnh, đặc biệt coi trọng công tác tư tưởng với cán bộ, đảng viên, trong bài “Đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng” (đăng trên báo Nhân Dân số 14 ngày 26/6/1951), đồng chí viết: “Bên cạnh những ưu điểm của cán bộ, đảng viên, không sợ hy sinh, gian khổ, khó khăn, hết lòng phụng sự Nhân dân, trong Đảng ta còn một số đảng viên chưa hiểu rõ quan hệ giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của Đảng, của Nhân dân, coi trọng lợi ích cá nhân hơn lợi ích của Đảng và của Nhân dân. Vì vậy, cần tập trung trau dồi ý thức phục vụ Đảng, phục vụ Nhân dân”. Trên tinh thần ấy,  đồng chí đã tham mưu Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư thực hiện công tác chỉnh đốn các cơ quan cấp tỉnh, huyện. Sau khi chủ trì sơ kết tình hình, kết quả thực hiện, đồng chí đã tham mưu Ban Bí thư ban hành Chỉ thị “Về sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm trong công tác chỉnh đốn các cơ quan cấp tỉnh, huyện”.

Giai đoạn 1973 - 1976, trên cương vị Trưởng ban Tổ chức Trung ương, đồng chí tham mưu ban hành nhiều văn bản quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng, như: Nghị quyết số 225 ngày 20/2/1973 của Bộ Chính trị về “Công tác cán bộ của Đảng trong giai đoạn mới”. Đây là một văn kiện quan trọng, đáp ứng yêu cầu bức thiết của tình hình và nhiệm vụ cách mạng lúc bấy giờ. Để triển khai quán triệt và thực hiện Nghị quyết, đồng chí nhấn mạnh: Có phương án xây dựng bộ máy tổ chức tốt sẽ quyết định việc xây dựng từng người cán bộ được tốt.

Nhằm kịp thời bổ sung, kiện toàn cán bộ cho Trung ương Cục, Khu ủy khu V, các tỉnh, thành phố miền Nam và tiếp quản, quản lý, xây dựng, phát triển các vùng mới giải phóng, đồng chí đã tham mưu ban hành Thông tri số 316-TT/TW ngày 21 tháng 4 năm 1975 về việc điều động cán bộ cho miền Nam. Các văn bản như Chỉ thị số 201-CT/TW ngày 19 tháng 3 năm 1973 của Bộ Chính trị về chính sách đối xử với những người có vấn đề cần xem xét về mặt quan hệ gia đình; Chỉ thị 236-CT/TW ngày 18/9/1976 của Ban Bí thư về công tác bảo vệ Đảng, bảo vệ các lực lượng cách mạng miền Nam, để lại nhiều kinh nghiệm quý về công tác cán bộ.

Từ năm 1986, không còn tham gia Trung ương nhưng vẫn nhận nhiệm vụ làm công tác tổng kết xây dựng Đảng và công tác cán bộ, đồng chí đã tập trung trí tuệ, sức lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quan trọng. Những năm 1990, đã gần 80 tuổi, đồng chí vẫn quan tâm công tác xây dựng Đảng, nêu những băn khoăn, trăn trở góp ý với Đảng về công tác tổ chức, cán bộ, là phương châm cơ bản xây dựng Đảng về tổ chức hiện nay.

Trong gần 70 năm hoạt động cách mạng, đồng chí Lê Văn Lương có nhiều năm gắn bó với công tác Đảng, được Đảng và Bác Hồ giao nhiều trọng trách: Trưởng ban Tổ chức Trung ương (giai đoạn 1948 - 1954 và giai đoạn 1973 - 1976), Giám đốc đầu tiên của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc Trung ương (1949 - 1956); Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương (từ 1957 - 1959), Bí thư Thành ủy Hà Nội (1976 - 1986). Đồng chí tham gia Ban Chấp hành Trung ương (khóa II) và được Trung ương bầu làm Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị…

Thuộc thế hệ hạt giống đầu tiên của cách mạng Việt Nam, là một người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo giàu kinh nghiệm, tài năng, đức độ, đồng chí Lê Văn Lương đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng Tổ quốc, đặc biệt là trong công tác xây dựng Đảng.

Với phong cách làm việc dân chủ, công tâm, khoan dung; dám chịu trách nhiệm và trong sáng về tinh thần phê bình và tự phê bình, những cống hiến, kinh nghiệm quý giá đồng chí để lại đặc biệt có ý nghĩa khi Đảng ta đang triển khai thực Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”.

NHẬT NGUYÊN (Tổng hợp)