Lực lượng dân quân trẻ phục vụ ở Khung T3

Tình nguyện về T 

Sau khi các khu cách ly (T) tuyến  huyện, xã được giải thể, các điểm chốt chặn cũng được dỡ bỏ, lực lượng dân quân các xã của huyện Nam Đông cũng được rảnh rang hơn. Nhưng nhiều chiến sĩ dân quân lại không ngần ngại đăng ký tham gia phục vụ ở các T của tỉnh.

Chiến sĩ dân quân Nguyễn Ngọc Trang (xã Thượng Nhật, huyện Nam Đông) đã tham gia phục vụ ở T3 (Trường Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam, Phú Thượng, TP. Huế) nhiều tháng liền cho biết: So với những đợt trước, áp lực của đội ngũ phục vụ cũng được giảm bớt, vì số lượng bệnh nhân giảm nên khi đưa cơm, thu dọn vệ sinh, tiếp xúc với các bệnh nhân cũng “dễ thở” hơn. Đợt vừa rồi, tôi cùng nhiều anh em dân quân các địa phương khác ở T3 xuyên tết. Công việc cũng không phải vất vả như trước, nhưng vì tết xa nhà nên cũng hơi buồn. Nhưng nghĩ đến việc nhiều bà con không may mắc COVID-19, không đủ điều kiện để cách ly ở nhà mà phải đến T cách ly, điều trị nên chúng tôi cũng cố gắng hết sức để phục vụ bà con thật chu đáo, tận tình.

Chị Lê Thị Yến (ở Phú Mỹ, Phú Vang) hiện đang cách ly, điều trị tại T3 cho biết: Chúng tôi ở đây được phục vụ rất tận tình. Người dân thông báo ho, sốt là lập tức được nhận thuốc. Buổi tối, tôi báo đau họng, không ăn được cơm, sáng hôm sau các chiến sĩ dân quân liền đưa cháo đến tận phòng. Mỗi lần đưa cơm, cháo đến cho bà con, các chú dân quân luôn hỏi han, động viên khiến chúng tôi rất vui.

Tham gia phục vụ tại T4 (Trường nghiệp vụ Thuế, phường Phú Thượng, TP. Huế) từ trước Tết dương lịch, ra tết, đáng lẽ được đổi ca, nhưng chiến sĩ dân quân Trương Công Chiến (xã Vinh Xuân, Phú Vang) tình nguyện tiếp tục ở lại làm nhiệm vụ tại T4. “Mặc dù tết xa nhà, nhưng là thanh niên chưa vợ con lại có kinh nghiệm phục vụ nên em xung phong tiếp tục ở lại phục vụ. Các bệnh nhân có yêu cầu gì chúng em đều báo lên quản lý khung để kịp thời đáp ứng cho bà con. Mặc dù là các bệnh nhân triệu chứng nhẹ, nhưng em biết khi mắc COVID-19 sẽ có nhiều biến chứng khó lường nếu không được chăm sóc chu đáo. Do đó, mỗi lần đưa cơm, em đều khuyên bà con gắng ăn cho có sức, có yêu cầu gì, hay ý kiến về đồ ăn đều mạnh dạn đề xuất để được phục vụ tốt nhất” - Chiến chia sẻ.

Nỗ lực, trách nhiệm

Trung tá Trương Hai, Khung trưởng Khung T4 cho biết: Hiện tại T4 có 19 dân quân tham gia làm nhiệm vụ, trong đó có nhiều chiến sĩ làm việc từ trước Tết dương lịch đến nay. Không phải là bộ đội thường trực, nhưng khi nhận nhiệm vụ, các chiến sĩ dân quân luôn nghiêm chỉnh chấp hành các mệnh lệnh cấp trên. Không chỉ trách nhiệm với các công việc được giao mà các chiến sĩ dân quân luôn gần gũi, quan tâm và động viên để người dân yên tâm điều trị. Là lực lượng “trong dân”,  nên khi tiếp xúc, phục vụ bà con, các chiến sĩ dân quân luôn được người dân quý mến, tin tưởng và đánh giá cao.

Ở các T, đội ngũ dân quân đến từ nhiều xã, phường, thị trấn khác nhau trên toàn tỉnh, nhưng khi nhận nhiệm vụ họ luôn đoàn kết, nỗ lực để hoàn thành tốt nhất trách nhiệm của mình. Công việc bớt phần vất vả hơn so với những đợt dịch bệnh căng thẳng, nhưng hàng ngày các chiến sĩ dân quân vẫn thức dậy từ rất sớm và kết thúc ngày làm việc khi trời đã tối muộn. Bởi hàng tá những công việc có tên hay không tên từ nấu cơm, đưa cơm, dọn vệ sinh, khử khuẩn… hay có mặt bất cứ lúc nào các bệnh nhân cần.

Thượng tá Ngô Nam Cường, UVTV Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng, Bộ CHQS tỉnh nhận xét: Những chiến sĩ dân quân phục vụ ở các T có tuổi đời còn rất trẻ, nhưng khi nhận nhiệm vụ họ lại được đánh giá cao về ý thức, trách nhiệm và luôn được người dân quý mến bởi sự tận tình, gần gũi. Khi được kêu gọi tham gia phục vụ ở các T, lực lượng dân quân các địa phương không ngần ngại xung phong lên tuyến đầu. Nhiều chiến sĩ dân quân có công việc khá ổn định nhưng cũng sẵn sàng tạm gác công việc để lên đường, tham gia phòng, chống dịch.

Bài, ảnh: THANH THẢO