Cảnh nhếch nhác do rác thải khu vực trước tượng đài Quang Trung

Núi Bân được biết là nơi mà hơn 230 năm về trước Bắc Bình vương Nguyễn Huệ đã lên ngôi Hoàng đế và dẫn quân thần tốc ra Bắc đại phá 29 vạn quân Thanh vào mùa xuân năm Kỷ Dậu (1789). Địa chỉ lịch sử này nhiều năm trước đây là nghĩa địa bá tánh, sau đó, hướng về kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, thành phố Huế đã đầu tư chỉnh trang thành tượng đài Quang Trung như hiện nay.

Sau khi công trình hoàn thiện, hàng năm đây là nơi diễn ra Lễ hội kỷ niệm ngày Quang Trung Hoàng đế lên ngôi và xuất quân đại phá giặc Thanh. Tại một kỳ lễ hội, lãnh đạo thành phố Huế đã phát biểu khẳng định, khu vực núi Bân, tượng đài Quang Trung sẽ mãi mãi là địa chỉ linh thiêng, là di tích lịch sử đầy tự hào của dân tộc Việt Nam, của Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và thành phố Huế. Thành phố sẽ tiếp tục gìn giữ, chỉnh trang nơi đây ngày càng đẹp hơn, hùng tráng hơn; xứng đáng với vai trò, vị trí và giá trị lịch sử to lớn của di tích, của Anh hùng dân tộc, danh tướng thiên tài - Hoàng đế Quang Trung - Nguyễn Huệ.

Tượng đài Quang Trung sau khi được khánh thành đến nay đã trở thành một địa chỉ văn hóa, thu hút nhiều người dân các giới, các lứa tuổi đến tham quan, vui chơi, tập thể thao thể dục mỗi sáng, mỗi chiều khiến khu vực này từ là nơi thâm u trở nên vui tươi, sinh động của một góc thành phố. Có điều, có hiện tượng vô cùng đáng chê trách nơi đây, ấy là trong lúc chính quyền và Trung tâm Công viên cây xanh đang nỗ lực giữ gìn, chỉnh trang cho công viên - tượng đài ngày càng xanh tươi, đẹp đẽ thì khu vực phía trước, mé 2 bên tượng đài dọc theo đường Ngự Bình lại bị nhiều người mang đủ loại rác ra đổ bừa bãi. Nào xà bần và các loại rác thải xây dựng, nào là rác sinh hoạt mà nhiều loại trong đó rất khó coi, nhếch nhác và xú uế. Từ phía An Cựu đi lên, gần tới tượng đài là một đống rác đủ thứ ở vệ đường bên phải, đặc biệt là hình các “con” manơcanh hư hỏng bị ném vứt chỏng chơ, nghiêng ngửa, trắng hếu bên cạnh một mương nước, bao quanh chúng đang cơ man mồ mả nên thoạt nhìn rất ớn. Qua khỏi tượng đài một thoáng là xà bần, am hư, bồn cầu vỡ, nệm cũ… vô cùng phản cảm! Điều đáng nói là thực trạng này đã tồn tại lâu nay, và đã có rất nhiều ý kiến phản ánh, phê bình, hiến kế xử lý, bài trừ. Song, đáng tiếc là câu chuyện có vẻ không hề cải thiện mà ngược lại, có khi càng tồi tệ hơn lên.

Một cuộc “mật phục” để bắt tận tay, xử lý tới nơi, “nêu gương” tận mặt các trường hợp vi phạm chẳng lẽ quá khó? Hoặc đầu tư một số camera an ninh để giám sát, phạt nguội, thử xem có biến chuyển hay không. Không quyết liệt, không tìm giải pháp, cứ để “đong đưa”, “nửa vời” thì sự tôn nghiêm của “địa chỉ linh thiêng, di tích lịch sử đầy tự hào” của dân tộc và của người dân xứ Huế sẽ mãi tiếp tục bị thương tổn chưa biết đến bao giờ.

Bài, ảnh: HÀN YÊN